Cộng đồng mạng phẫn nộ những clip kỳ thị người Đà Nẵng
Clip kỳ thị người dân Đà Nẵng thuộc sở hữu của Nguyễn Ngọc Thúy (Thúy Kami) - một người khá có tiếng trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp. Ngay lập tức, đoạn clip này đã gây dậy sóng mạng xã hội và nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Cụ thể, đoạn clip dài 30 giây, mô phỏng cuộc gặp giữa vị lãnh đạo với các nhân viên.
Lãnh đạo bắt tay từng nhân viên và hỏi họ đến từ đâu. Lần lượt những cô gái trả lời đến từ Hà Nội, Quảng Trị đều được bắt tay, chào đón niềm nở. Đến cô gái thứ ba, sau khi trả lời đến từ Đà Nẵng thì vị lãnh đạo này bất ngờ rút tay lại, những cô gái xung quanh cũng tỏ vẻ kỳ thị. Sau đó, tất cả nhóm người này đẩy cô gái đến từ Đà Nẵng ra ngoài và đóng cửa lại kèm hành động xịt nước sát khuẩn.
Sau khi đăng tải, đoạn clip này đã tạo nên làn sóng phẫn nộ, bức xúc từ cư dân mạng. Không biết nhóm cô gái thực hiện clip với mục đích gì nhưng nhiều người cho rằng những clip "vui" với nội dung kỳ thị Đà Nẵng này là rất phản cảm và không có văn hóa.
Tuy nhiên, một số người có cái nhìn thoáng hơn thì cho rằng, đoạn clip này đơn giản chỉ mang mục đích hài hước, giải trí. Ngay trong caption (chú thích) của clip cũng khẳng định đây là clip mang tính giải trí cùng lời khuyên “hãy đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”. Rõ ràng với những lời khuyên này, mục đích của clip là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Nhưng cách thể hiện thiếu suy nghĩ của nhóm bạn trẻ giữa thời điểm nhạy cảm này lại khiến cộng đồng mạng hiểu lầm và “ném đá”.
Không riêng tài khoản thuy.kami, nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đăng tải những clip có nội dung tương tự và bị cộng đồng mạng lên án. Một tài khoản Tik tok tên HuynhDangThong lại đăng tải một clip khác cũng với nội dung kì thị, chế giễu Đà Nẵng.
Clip xây dựng câu chuyện một khách du lịch đang hào hứng chuẩn bị hành lý để đi du lịch. Nhưng khi được biết điểm đến là Đà Nẵng, người này nhanh chóng vứt bỏ hành lý và bày tỏ thái độ bực mình với câu nói thô tục"Dẹp m.. đi".
Thậm chí, một tài khoản Facebook khi livestream bán hàng còn lấy chuyện dịch bùng phát từ Đà Nẵng ra “câu view” bằng cách bông đùa: “Yên tâm, hàng của chị không có xuất xứ từ Đà Nẵng, cả người Đà Nẵng mà mua chị cũng không bán nhá, vì sợ virut nó lây lan qua đường chuyển tiền ấy mà”. Đoạn livestream này sau đó phải xóa bỏ vì sự phẫn nộ của cư dân mạng.
Lời xin lỗi và sự cảnh tỉnh
Sau 2 ngày gây bão mạng xã hội với clip “mua vui” được cho là mang tính chất kỳ thị người dân Đà Nẵng, nhân vật “chủ tịch” trong đoạn phim đã cúi đầu và gửi lời xin lỗi đến toàn tể mọi người trên trang Facebook cá nhân cũng như những người dân Đà Nẵng.
Theo đó, tài khoản Nguyễn Ngọc Thúy (Thúy Kami) – cô gái đóng vị “chủ tịch” trong clip đã đăng tải bức ảnh cô cúi người xin lỗi kèm dòng trạng thái với nội dung nhận lỗi và thể hiện sự hối hận gửi đến cộng đồng mạng, đặc biệt là người dân Đà Nẵng.
“Thân gửi mọi người, đặc biệt là người dân Đà Nẵng. Lời đầu tiên, T xin được gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến tất cả mọi người và nhìn nhân mọi lỗi lầm của mình trong những ngày tháng qua. Cái sai trước hết của T cũng là nguồn cơn gây ra sự việc này chính là sự thiếu suy nghĩ khi làm ra clip hết sức phản cảm này.
T đã không đủ thấu đáo để nhận ra ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đã vượt xa cả ý nghĩa và mục đích ban đầu của mình. Chỉ vì sự bồng bột, nóng vội khi bắt trend mà T đã không lường được những ý nghĩa tiêu cực mà đoàn phim này đem lại. Đây là cái sai bắt nguồn từ sự ngu dốt của bản thân T.
Cái sai thứ hai là khi nhân được những lời phê phán, trong đó có không ít lời chửi rủa của mọi người, T đã không đủ bình tĩnh và phát ngôn ra những lời nói không đúng mực, không những không chân thành nhận lỗi mà còn khiến mọi người phẫn nộ hơn. Phải đến bây giờ khi tĩnh tâm lại, T mới ý thức được sự nóng nảy, thiếu suy nghĩ của mình đã đưa sự việc đi xa đến mức nào.
Dù không thể rút lại lời đã nói ra những T thực sự rất xấu hổ và hối hận về những lời đó. T không mong nhận được sự tha thứ của mọi người, chỉ muốn gửi lời xin lỗi thật tâm về những thiếu sót trong suy nghĩ và lời nói của mình. Đây là một bài học rất lớn với T để bản thân thận trọng và chín chắn hơn khi đăng tải hay phát ngôn trên mạng xã hội, không gây ảnh hưởng đến người khác.
Tất cả những lời góp ý, phê phán nghiêm khắc của mọi người đối với T đều là những lời cảnh tỉnh, T xin được tiếp thu và nghiêm khắc tự kiểm điểm. Một lần nữa xin được gửi lời xin lỗi thật tâm và mong người dân Đà Nẵng sớm kiểm soát dịch bệnh. Xin lỗi tất cả mọi người về những phiền phức mà T đã gây ra. Chân thành cảm ơn mọi người”.
Trong thời gian ngắn, bài viết xin lỗi này nhận về hàng chục nghìn tương tác, bình luận và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Trong bài viết, nhiều cá nhân vẫn kịch liệt chỉ trích cô gái với những lời lẽ nặng nề, gay gắt và không thể chấp nhận lời xin lỗi này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người bảy tỏ quan điểm “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.
Đây là bài học sâu sắc dành cho các bạn trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo và lường trước hậu quả trước khi đăng tải bất cứ nội dung gì lên mạng xã hội. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, dù chỉ đăng tải trên tài khoản cá nhân nhưng một khi nội dung đó được lan tỏa và tiếp cận đến rất nhiều người thì bản thân chủ tài khoản phải có trách nhiệm với những phát ngôn và sản phẩm giải trí của mình.
Kỳ thị “ngáng chân” phòng, chống dịch Covid 19
Giữa lúc tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang gấp rút trong phòng, chống dịch thì việc kỳ thị, phân biệt đối xử là hành động đáng lên án. Sự động viên, cổ vũ, giúp đỡ lẫn nhau mới là điều cần thiết lúc này.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc lan truyền thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm của người bệnh hay địa phương có nhiều người nhiễm bệnh trên mạng xã hội, làm cho họ và người thân e ngại, có thể dẫn đến tâm lý “khi có bệnh thì sẽ không khai báo y tế”. Kỳ thị sẽ là rào cản trong việc hợp tác điều trị, cách ly hoặc phòng tránh cho cộng đồng.
Thực tế, những người bị cách ly hoặc tự giác khai báo y tế đang làm những việc rất văn minh, tích cực góp phần kiểm soát dịch bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Họ và gia đình họ phải nhận được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ của mọi người xung quanh vì những hành động đẹp đẽ này.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Chúng ta sẽ không muốn phải nhớ rằng mình đã vì sợ hãi mà đối xử tàn nhẫn với người khác. Vậy thì tại sao ngay từ lúc này, chúng ta không bắt đầu bao dung để tạo nên một kỷ niệm đẹp cho những ngày sau dịch? Và chúng ta đều có thể tự hào vì đã vượt qua mùa dịch bằng sự dũng cảm và bao dung… Virut chỉ sợ khi chúng ta sống có trách nhiệm, có lòng trắc ẩn, yêu thương và độ lượng mà thôi”…