Sinh kế giúp dân giảm nghèo
Từ thị trấn Mường Khương ngược lên Đồn BP Pha Long (còn gọi là cổng trời khô khát), qua dốc Tung Chung Phố, con đường vòng cung hiện ra trước mắt, phía dưới là Lũng Pâu, Lũng Núi rộng lớn như một chiếc chảo khổng lồ lớp lớp ruộng bậc thang sắc màu thay theo mùa vụ. Qua đoạn vách đá giăng thành, con đường ngoặt lên gấp những vòng cua tay áo, ngày xưa gọi là dốc Chín Quai. Đếm đủ 9 lần con dốc quặt đi quặt lại để lên một triền đất mới mang tên Tả Ngải Chồ.
Đường uốn lượn quanh những vòm đá nhấp nhô, một bên là vách đá dựng đứng, một bên hun hút vực sâu. Tả Ngải Chồ, nghĩa là chân những núi đá lớn. Đèo Pha Long mang trong lòng bao huyền sử của sông Chảy đã bồi đắp nên những tầng những lớp trầm tích văn hóa bản địa độc đáo. Tên đèo cũng là tên của xã vùng cao vẫn còn giữ được cho mình vẹn nguyên những bản sắc văn hóa của người Mông, Dao, Tày, Nùng cùng những đặc trưng không thể trộn lẫn thể hiện rõ nét trong lễ hội Gầu Tào hàng năm.
Hai xã Tả Ngải Chồ và Pha Long là nơi cư trú của 6.427 người dân thuộc 12 dân tộc thiểu số khác nhau. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt. Tỉ lệ hộ nghèo của hai xã chiếm tới 68,4%. Pha Long là một trong số rất ít xã của huyện Mường Khương còn thôn Ma Lù Thàng chưa có đường giao thông, phải đi bộ bằng đường mòn của dân.
Những năm qua, nhằm giúp đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Tu Dí, Pa Dí... thoát đói nghèo, cấp ủy, chỉ huy Đồn BP Pha Long, BĐBP Lào Cai đã trăn trở rất nhiều về việc tạo ra sinh kế giúp bà con. Trên cơ sở chọn lựa từ thôn, bản, Đồn BP Pha Long đã hỗ trợ 5 gia đình nghèo giống lợn nái và ngựa để phát triển kinh tế. Sau khi lợn mẹ đẻ được 2 lứa, các hộ dân này mới phải chuyển lợn mẹ sang cho hộ khác chăn nuôi. Cho tới thời điểm này, các con giống mà Đồn BP Pha Long hỗ trợ người dân đều phát triển tốt. Riêng con ngựa hỗ trợ cho gia đình anh Lồ Seo Giả (thôn Tả Lùng Thắng, xã Pha Long) nuôi dưỡng đã đẻ được ngựa con. Lợn mẹ của hộ ông Hoàng Seo Dinh đã đẻ được mấy lứa, lứa sau có 9 con.
Bản Lồ Suối Tủng, xã Pha Long có 32 hộ, 174 khẩu người Mông nằm cách xa trung tâm huyện Mường Khương 20km. Đường nội thôn của bản là những lối mòn, ngày mưa gió việc đi lại rất khó khăn. Vì vậy, Đoàn thanh niên BĐBP tỉnh Lào Cai và Đồn BP Pha Long, cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân thôn Lồ Suối Tủng đã quyết định bê tông hóa đường nội thôn. Ngoài ngày công của BĐBP, cùng cát, sỏi, xi măng làm tuyến đường nội thôn chiều dài 300 mét. Đoàn thanh niên BĐBP Lào Cai còn quyên góp ủng hộ 80 triệu đồng tiền mặt. Nay bà con đã có con đường mới thuận tiện đi lại.
Cán bộ, chiến sĩ của Đồn còn giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165ha ruộng nước; trồng hơn 700ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; trồng mới 30ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy. Ðặc biệt, BĐBP đã vận động được 50 hộ đồng bào Mông, Nùng, Tu Dí, Pa Dí... lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như gạo Séng Cù, lợn đen Mường Khương, gà Ðông Cảo... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào.
Đồn BP Pha Long đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 28 tổ tự quản an ninh thôn bản, xóa 8/8 thôn bản trắng đảng viên, củng cố, nâng cấp 2 chi bộ lên Đảng bộ cơ sở. Hiện nay, 28/28 thôn, bản có chi bộ độc lập. Đến nay, 90% số hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, có bể nước sạch, trên 60% số hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp quy cách. Mạng internet không dây đã được phủ sóng đến từng thôn, bản. Hệ thống trường, trạm, trụ sở làm việc của chính quyền xã được xây dựng khang trang. Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, đơn vị đã vận động nhân dân xây dựng 15 ngôi nhà Đại đoàn kết tặng người nghèo.
Đồn BP Pha Long có vinh dự hai lần được phong tặng Anh hùng vào năm 1979 và năm 2012.
Nhọc nhằn con chữ vùng cao
Trên địa bàn Đồn BP Pha Long quản lý, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục còn rất thiếu thốn. Các thôn bản xa chưa có lớp học, các điểm trường bán trú thiếu phòng ở cho học sinh bán trú, học sinh không có chăn ấm, áo ấm về mùa đông… Thôn Lồ Cồ Chin, xã Pha Long nằm cách cửa khẩu phụ Lồ Cồ Chin 500m có 18 hộ dân.
Để đến được các lớp mầm non, lớp tiểu học của thôn, chúng tôi phải lội qua con đường ngập ngụa phân trâu bò. Các lớp học là những ngôi nhà tạm mượn của người dân, nguyên là nơi nhốt trâu bò của bà con trong thôn. Nhà nào cũng rách rưới, xiêu vẹo với mái được che chắn tạm bợ vài tấm prô-xi-măng. Mỗi khi trời mưa gió, nước mưa đổ xuống ngập phủm sàn nhà, thầy trò phải ôm nhau chạy vào nhà dân để tránh trú.
Về mùa đông, các em học sinh phải gồng mình chống chọi với cái rét thấu xương. Vào những ngày rét đậm, rét hại, thầy trò run bần bật theo từng cơn gió rít. Điều đáng nói, gần lớp mầm non tồi tàn, xiêu vẹo của Lồ Cồ Chin là những phòng học kiên cố bỏ hoang.
Tìm hiểu được biết, trường mầm non của thôn đã được xây dựng khá khang trang nhưng do quy hoạch và khảo sát địa chất không hợp lý, nên công trình đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng do trường bị sạt lở toàn bộ sân chơi, khoét hàm ếch vào móng nhà. Tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và ngôi trường có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của người dân và các em học sinh.
Thượng tá Nguyễn Quang Trung - Chính trị viên Đồn BP Pha Long cho biết: “Từ năm 2012 đến năm 2017, đơn vị đã trực tiếp kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng 2 phòng học cho học sinh mầm non ở thôn Sín Chải B và 2 phòng học cho học sinh mầm non tại thôn Lùng Vùi. Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị xây dựng 4 phòng ở, 1 nhà đa năng cho học sinh bán trú, khu nhà vệ sinh cho các cháu học sinh Trường Mầm non Pha Long. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động các nhà hảo tâm tặng nhiều phần quà cho các cháu học sinh trên địa bàn”.