Chúng tôi gặp Lý A Dinh gần bốn tháng trước, ngay trước dịp khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Khi đó, Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật khu vực biên giới, biển đảo” và trao quà từ thiện tại một số địa bàn, đơn vị khó khăn của tỉnh Điện Biên.
Vẻ rạng ngời không giấu giếm nổi của Dinh và cả trăm bạn nhỏ hôm đó, lây cả sang người đã biết bao chuyến đi, đã đồng cảm với bao bạn đọc như Tổng Biên tập, Tiến sỹ Đào Văn Hội và gieo vào lòng những người làm báo PLVN niềm hạnh phúc.
Trong chuyến đi “về với đất Điện Biên lịch sử”, nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh giữ nước, Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến xúc động chia sẻ, nhiều năm nay, Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” là một trong nhiều hoạt động xã hội của Báo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, động viên các chiến sĩ đang canh giữ bình yên biên giới và các em học sinh nghèo vượt khó.
Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp, ngành, địa phương và sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ cũng như nhận được sự chào đón nhiệt liệt của bà con các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa.
Trong chuyến công tác này, qua sự phối kết hợp của Sở Tư pháp Điện Biên, đoàn Báo PLVN tặng UBND xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng), xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, các trường học tiểu học, THCS trên địa bàn hai xã nhiều phần quà như các công trình nhà văn hóa, tiền mặt và hiện vật như sách, báo, loa kéo, ti vi… với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.
“Những món quà tuy không lớn nhưng là tấm lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo tới chiến sĩ, đồng bào vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Mỗi chuyến đi như vậy lại tiếp thêm động lực để Báo nỗ lực trong tuyên truyền chính sách, chủ trương, pháp luật tốt hơn nữa”, Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến chia sẻ.
Ở Mường Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Sáng cho biết, xã là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện với hộ nghèo chiếm 58,56%, cận nghèo chiếm 11,86%. Ông Sáng kể, ở các bản mà Báo PLVN tặng công trình Nhà văn hóa, chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 10km, nhưng là “một môi trường sống khác rồi”.
“Bản đó có một hai người đã đỗ đạt đi học, đã từng có việc ở thành phố, nhưng các anh quyết định quay về sống tại bản, làm cán bộ ở xã huyện, để tìm mọi cách đổi thay quê hương”, ông Sáng kể, “Ngay khi được tin bản có Nhà văn hóa do Báo PLVN tặng, các anh chị đã lên ngay kế hoạch sinh hoạt cộng đồng, để phổ biến chính sách, để chỉ cho bà con rõ hơn các quy định pháp luật, để cùng chia sẻ kiến thức”.
Khác những đô thị phát triển, ở bản làng nơi đây, sinh hoạt cộng đồng rất quan trọng. Chính quyền và nhân dân cũng gắn bó nhau hơn, khoảng cách miền núi – đồng bằng cũng phần nào được rút gọn hơn, và quan trọng hơn, từ những nhà văn hóa đó, một cửa sổ ra cuộc sống rộng lớn ngoài kia mở ra rõ nét hơn trong giấc mơ của không ít em nhỏ…
Thế nên sự quan tâm, chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần của “các cô chú nhà báo” thực sự là món quà động viên tinh thần có ý nghĩa hết sức quan trọng với thầy trò các trường trước thềm năm học mới.
“Con muốn lớn lên làm nhà báo, để nhân dân cả nước biết về quê con. Con cũng muốn đem áo trắng đến tặng các bạn khác”, Lý A Dinh nói. Và như thế, với chúng tôi, những chuyến đi ấy là những chuyến đi nhận những tình cảm chân thực, những món quà tinh thần ý nghĩa.