Chương trình được tổ chức tại quảng trường biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Thanh Hóa xưa và nay được biết đến là nơi có biển bạc, rừng vàng, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của dân tộc. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến vùng đất trầm tích của các giá trị văn hóa tốt đẹp với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và hệ sinh thái đa dạng, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ.
Đây cũng là vùng đất quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều chí sỹ, văn nhân, mà tên tuổi và sự nghiệp đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất và con người xứ Thanh luôn tự tin, năng động, không ngừng bứt phá đi lên, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới của đất nước.
Khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2023. |
Trong bức tranh rực rỡ sắc màu của vùng đất “Thanh kỳ khả ái”, Sầm Sơn vừa là đô thị trẻ căng tràn sức sống, vừa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Từ chuyện tình yêu hòn Trống Mái, thần Độc Cước xẻ đôi thân mình hộ quốc, an dân..., đến bản hùng ca của nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đánh chìm chiến hạm A-mi-ô Đanh-vin và những dấu ấn lịch sử của nghĩa tình “Bắc Nam một nhà”, trong những năm tháng đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng vạn thương bệnh binh, cán bộ, học sinh và gia đình cách mạng miền Nam tập kết ra Bắc; năm 1960 Sầm Sơn vinh dự được Bác Hồ kính yêu về thăm và kéo lưới cùng bà con ngư dân..., Sầm Sơn đã in đậm trong tâm thức của biết bao thế hệ người Việt và là niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa.
Trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngày 19/4/1963, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 50-CP về việc thành lập thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trải qua gần 120 năm hình thành địa danh du lịch và 60 năm xây dựng, phát triển, từ thị trấn nhỏ với diện tích khoảng 7,5km2, dân số trên 5.000 người; từ năm 2017, Sầm Sơn đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị sầm uất với dân số gần 110 nghìn người.
Kinh tế phát triển mạnh, trong đó dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tiện ích; nhiều dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; văn hóa du lịch chuyển biến tiến bộ. Lượng du khách đến với Sầm Sơn ngày càng tăng; năm 2022, toàn tỉnh đón được trên 11 triệu lượt khách, thì Sầm Sơn đã đón hơn 7 triệu lượt khách.
Sầm Sơn đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình thu hút rất đông người tham dự. |
Sau các nghi thức chính, Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2023 được nối tiếp bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc, với chủ đề “Sầm Sơn - Thăng hoa và tỏa sáng”. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, với sân khấu hoành tráng được lấy cảm hứng từ Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới của Thanh Hóa đã được UNESCO công nhận.
Với 3 chương “Sầm Sơn - điểm hẹn của tình yêu”; “Mênh mang đất trời xứ Thanh” và “Sầm Sơn - Thăng hoa và tỏa sáng”, chương trình nghệ thuật hướng đến khắc họa và tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử của Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung: Từ quá khứ oai hùng, đến hiện tại rực rỡ và một tương lai phồn vinh, thịnh vượng với những công trình đẳng cấp quốc tế.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách, qua đó góp phần quảng bá vẻ đẹp, tiềm năng phát triển du lịch biển xứ Thanh, đô thị du lịch biển Sầm Sơn năng động, tràn đầy sức sống, hiện đại và văn minh.