Một thời “khói lửa”
Từ Quốc lộ 1A ở TP. Đông Hà, người viết chạy xe dọc Đường 9 theo hướng Tây để đến mảnh đất Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa. Đây từng là nơi hứng chịu lượng lớn bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thời đó, Khe Sanh bao gồm hầu như toàn bộ huyện Hướng Hóa hiện nay, được quân đội Mỹ thiết lập căn cứ mang tên căn cứ Khe Sanh, với hy vọng ngăn chặn được sự chi viện từ Bắc vào Nam của quân đội Việt Nam, cắt đường mòn Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta đã tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó.
Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 15/7/968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi. Ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, giải phóng huyện Hướng Hóa.
Sau 170 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân giải phóng đã loại bỏ vòng chiến đấu tầm 11 nghìn tên địch (2/3 là quân Mỹ), bắn rơi 197 máy bay |
Thắng lợi này đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, tạo ra cục diện mới ngày càng có lợi trên chiến trường. Nó đã tạo thế và lực để quân và dân ta tiến công giành thắng lợi trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971, giải phóng quê hương Quảng Trị năm 1972 cùng với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận ký hiệp định Paris năm 1973. Nó đã khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ, tiến tới chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến dịch này đã thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại của Mỹ. Chúng ta đã đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh.
Cựu chiến binh Nguyễn Bá Luân (ngụ Khe Sanh) cho biết, với hy vọng làm vơi đi phần nào nỗi đau của gia đình liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, những năm qua hầu như năm nào các cựu chiến binh chúng tôi cũng vượt rừng, trở lại các cứ điểm để tìm kiếm đồng đội. Hội đã cất bốc hơn 1.500 hài cốt liệt sỹ khắp các bản làng tại Hướng Hóa và các huyện nước bạn Lào. Nhiều gia đình đã được tiếp nhận các hài cốt liệt sĩ đã nằm lại trên vùng đất chiến trường xưa.
Dạo quanh Khe Sanh, người viết lắng đọng, bùi ngùi khi chứng kiến nhiều chứng tích chiến tranh vang dội thời ấy như: Cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, khu căn cứ quân sự Khe Sanh... Mỗi địa danh đều chứa đựng nhiều ý nghĩa khó diễn tả hết bằng lời, tất cả điều thiêng liêng, oai hùng, in dấu lịch sử dù cho là quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Khởi sắc từng ngày
Bước ra từ đống hoang tàn, đất và người Khe Sanh phải gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Ít ai ngờ rằng, một nơi từng ví là “vùng đất chết - vùng đất lửa” của Quảng Trị lại có sự thay đổi lớn như bây giờ.
Đường 9 một thời “hoa lửa”, giờ đây đã nâng cấp và trở thành con đường của hội nhập, phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Hướng Hoá - Khe Sanh nay được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt - Lào, được ví là “tiểu Đà Lạt” với khí hậu cảnh quan tuyệt đẹp.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây những dự án điện gió giúp Hướng Hoá càng nhộn nhịp, sầm uất hơn. Đến nay có tổng số 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 630MW và 10 dự án có tổng công suất lắp máy 400MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Với thời tiết như “tiểu Đà Lạt”, Hướng Hoá đang chú trọng phát triển du lịch (Homstay Bảo Nguyên Xanh ở xã Hướng Tân) |
Phần lớn diện tích đất ở Hướng Hóa là đất bazan màu mỡ đặc trưng của Tây Nguyên rất thuận lợi cho cây công nghiệp dài ngày. Hướng Hóa cũng phát triển nông nghiệp và làm du lịch. Đáng chú ý, huyện luôn duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực, tổng diện tích gieo trồng 18.639,5ha. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm gần 9 nghìn tấn.
Tính đến đầu năm 2023 toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP (kế hoạch 15-20 sản phẩm), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 2 nghìn tấn/năm (đạt 45,15% kế hoạch). Diện tích nuôi cá nước ngọt hiện có 79,5 ha (đạt 102,6% kế hoạch), sản lượng cá bình quân 83,6 tấn/năm (đạt 119,43% kế hoạch).
Thời gian qua, huyện cũng đã lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đã từng bước làm thay đổi diện mạo ở các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2022 là 27.683 tỷ đồng (đạt 136,43% kế hoạch), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng (kế hoạch đến 2025 là 50,78 triệu đồng).
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, tăng cường, bình quân hằng năm trồng mới 305ha rừng tập trung, với 13,4 vạn cây.
Tính đến nay, có 5/19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch đến năm 2025 có thêm 3 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 - 18 tiêu chí.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm, toàn huyện có 20.564/22.942 gia đình được công nhận văn hóa. Tất cả, 19/19 xã phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, trong đó có 6 xã được công nhận lần đầu, 2 thị trấn công nhận danh hiệu “văn minh đô thị”.
Những cánh đồng điện gió ở Hướng Hoá |
Sau 55 năm ngày được giải phóng, dấu tích của cuộc chiến đã dần lùi xa, trong mỗi người dân của mảnh đất dưới chân đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ còn mãi niềm tự hào về một thời oanh liệt. Ghi nhận sự cố gắng nỗ lực ấy, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng trong chiến đấu và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Hướng Hoá. Đó chính là tiền đề để họ xây dựng cuộc sống mới.
Dù đã đến Đường 9 - Khe Sanh không ít lần nhưng mỗi lần đi, những người con sống trong hòa bình như chúng tôi không khỏi tự hào về thế hệ cha anh. Càng tin tưởng “vùng đất lửa” một thời này sẽ còn tiến xa, viết tiếp những bản anh hùng ca lịch sử...
Huyện cũng đã lập danh sách hơn 1 nghìn đối tượng có nhu cầu thăm khám chữa, chữa bệnh và sẽ khám trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phát động đợt thi đua cao điểm “55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh - Giải phóng Hướng Hoá” rồi cũng sẽ tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch và quảng bá sản phẩm cà phê. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như giải bóng đá, bóng chuyền, liên hoan Nghệ thuật rừng xanh vang tiếng Ta Lư…