Xã đảo Thổ Châu nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Ngày 15/2/1993, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 96/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo xã mới Thổ Châu lâm thời; đồng thời, tổ chức đưa dân ra đảo để sinh sống. Ngày 24/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 19-CP về việc thành lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang, có diện tích tự nhiên là 2.634 ha. Khi mới thành lập, dân số của xã Thổ Châu chỉ có 94 nhân khẩu, đến nay toàn xã có 549 hộ với 1.899 nhân khẩu.
Trong 30 năm qua, từ một xã có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và của thành phố Phú Quốc; với tinh thần tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân xã Thổ Châu đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn xây dựng, phát triển xã Thổ Châu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (bìa phải), tặng hoa cho đại diện các tầng lớp nhân dân có nhiều năm gắn bó với xã Thổ Châu |
Kinh tế của xã đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng từ 10 - 12%; thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá chiếm 46%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,2%. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều công trình đã và đang xây dựng, được đưa vào sử dụng như đường giao thông quanh đảo, cầu cảng, trường học, trạm y tế, trạm phát điện… đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân trên đảo và ngày càng cải thiện đáng kể.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm còn 1,46% so với dân số; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tiếp tục đầu tư và nâng cấp; mô hình y tế quân - dân y kết hợp đã phát huy tốt hiệu quả, kịp thời khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
Công tác quốc phòng toàn dân, An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định, các cơ quan chuyên môn đóng quân trên địa bàn làm tốt công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Ông Huỳnh Hữu Hiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, một trong những người dân đầu tiên ra đảo lập nghiệp theo chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang từ cuối tháng 2/1993 chia sẻ: Từ những đầu ngày ra đảo, trên đảo chỉ có vài chục hộ dân, đảo còn rất hoang sơ, điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng các hộ dân đều động viên nhau cùng kề vai sát cánh với Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang quyết tâm bám trụ, góp sức giữ gìn và xây dựng xã đảo.
"Tôi rất vui mừng và tự hào trước diện mạo của xã có nhiều thay đổi và phát triển sau 30 năm thành lập. Để giữ gìn và phát huy những thành quả đó, người dân xã đảo chúng tôi sẽ quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục những khó khăn, tiếp tục bám trụ và xây dựng xã đảo, ra sức học tập, lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quyết tâm cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương Thổ Châu ngày càng giàu mạnh" - ông Hiệp nói.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy thành phố Phú Quốc ghi nhận và biểu dương những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thổ Châu đã đạt được trong 30 năm qua. Đây là thành quả chung của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong xã đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức, đồng lòng, kiên trì, quyết tâm phấn đấu bảo vệ và xây dựng đảo ngày càng phát triển.
Thành ủy Phú Quốc tặng Đảng bộ, quân và dân xã Thổ Châu bức trướng mang dòng chữ “Đảng bộ và nhân dân xã Thổ Châu - Đoàn kết, xây dựng và phát triển”. |
Bí thư Thành ủy thành phố Phú Quốc Tống Phước Trường cho rằng, với vị trí chiến lược quan trọng, Thổ Châu cần được sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp như: Công tác quy hoạch; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; việc sử dụng điện - nước bền vững; phương tiện từ đất liền ra đảo… đặc biệt là các điều kiện cơ bản để thành lập huyện Thổ Châu theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân xã Thổ Châu cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội phát triển; hành động quyết liệt hơn, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và định hướng của Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
"Chú trọng phát huy tinh thần "Tự lực - tự chủ - tự quản" của người dân, mọi người dân Thổ Châu phải là chủ thể và là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển của đảo. Thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của xã; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho Nhân dân trên đảo" - ông Tống Phước Trường nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen 3 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và bảo vệ xã đảo Thổ Châu nhân kỷ niệm 30 năm thành lập (1993-2023). Thành ủy Phú Quốc tặng Đảng bộ, quân và dân xã Thổ Châu bức trướng mang dòng chữ “Đảng bộ và nhân dân xã Thổ Châu - Đoàn kết, xây dựng và phát triển”./.