Ngô Quyền – Tổ trung hưng đất nước
Ngô Quyền được gọi là Ngô Vương hoặc Tiền Ngô Vương, quê ở thôn Cam Lâm, xứ Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ông xuất thân trong gia đình nhiều đời làm hào hữu, cha là Ngô Mân (có tên khác là Ngô Đình Mân, Ngô Côn, Ngô Tiên Phủ) làm Châu mục Đường Lâm; thân mẫu là Phùng Thị Tịnh Phong, cũng người Đường Lâm, thuộc dòng dõi của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.
“Khi vua mới sinh, có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm chúa một phương, nên cha vua mới đặt tên là Quyền” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đất nước ta từ khi bị Triệu Đà xâm chiếm… cho đến nhà Đường trải hơn 1.000 năm, mặc dù có nhiều cuộc khởi nghĩa, có những vương triều được lập lên như triều Trưng, triều Tiền Lý,… nhưng vẫn gọi chung là thời Bắc thuộc.
Năm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng hào kiệt trong nước tiến ra Bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó, ông chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng, đánh bại quân Nam Hán do Hoằng Thao (có sách viết là Hoằng Tháo) chỉ huy, giết chết Hoằng Thao.
Đại thắng sông Bạch Đằng mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi: “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu?”. Sau thắng lợi đó, năm 939 Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa, lập ra nhà Ngô, triều đại đầu tiên của đất nước thời kỳ độc lập, tự chủ.
Sách Đại Việt sử ký tiền biên bình rằng: “Tiền Ngô Vương biết dùng quân mới tập hợp được của nước Việt ta mà đánh tan hàng trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở đất xưng vương, khiến cho quân phương Bắc không dám trở lại, có thể nói một cơn giận mà yên được dân, giỏi mưu tài đánh. Tuy chưa xưng đế và đặt niên hiệu nhưng chính thống của nước ta hầu như được nối lại”.
Tiền Ngô Vương ở ngôi được 6 năm,từ năm Kỷ Hợi (939) đến tháng giêng năm Giáp Thìn (944) thì mất, thọ 47 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua mưu tài, đánh giỏi, làm nên công nghiệp, dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua…”. Ngô Quyền được đánh giá là “Tổ trung hưng đất nước”
Lăng mộ Tiền Ngô Vương tại Đường Lâm, Sơn Tây |
Hoạt động văn hóa lịch sử thiết thực
Vào ngày 22/02/2019 tức ngày 18 tháng Giêng Kỷ Hợi, tại Khu Di tích Ngô Quyền, thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Hội đồng Ngô tộc Việt Nam sẽ tổ chức giỗ Tổ Đức vua Ngô Quyền, kỷ niệm lần thứ 1075 Ngày mất của ông (944 – 2019).
Chương trình lễ hội có lễ tế, dâng hương; màn sử thi tái hiện chiến thắng Bạch Đằng, lễ đăng quang của Đức vua Ngô Quyền (do Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện) và nhiều hoạt động quảng bá, giao lưu giữa cộng đồng họ Ngô Việt Nam trong cả nước.
Tác giả kịch bản “Màn sử thi Ngô Vương Quyền”, ông Tạ Văn Sốp – Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, công lao của Ngô Quyền đối với lịch sử dựng nước rất lớn nhưng thời gian tái hiện màn sử thi trên sân khấu chỉ có 45 phút. Đây là áp lực lớn.
“Sân khấu hóa Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và lễ lên ngôi Vua mùa xuân Kỷ Hợi năm 939 của Ngô Quyền khai sinh ra đất nước tự chủ như thế nào để công chúng thêm một lần tự hào về truyền thống dân tộc là một thách thức đối với không chỉ tác giả kịch bản mà còn đối với đạo diễn và các diễn viên tham gia”, ông cho biết.
Màn sử thi với sự tham gia của 60 diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam là một “điểm nhấn” của giỗ Tiền Ngô Vương năm nay – năm kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền lên ngôi vua và 1075 ngày mất của ông.
Theo ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, việc tổ chức giỗ Tổ Đức vua Ngô Quyền, nhằm tri ân tiên tổ, tự hào về truyền thống dân tộc, từ đó động viên con cháu họ Ngô Việt Nam trên khắp cả nước lao động, cống hiến tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp xứng đáng với công lao của Đức vua Ngô Quyền cũng như truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta và các thế hệ đi trước.