Trong truyền thuyết dã sử Trung Quốc thì Điêu Thuyền là một trong “Tứ đại mỹ nhân” thời cổ, có vẻ đẹp “bế nguyệt” (Trăng cũng phải xấu hổ mà giấu mình vào đám mây trước vẻ đẹp của nàng”. Hình tượng Điêu Thuyền được đúc kết tái hiện lại trong các câu chuyện liên quan đến Đổng Trác và Lã Bố trong văn hóa Trung Quốc. Đến nay đã có ít nhất 6 bộ phim nhựa, 10 phim truyền hình và hàng chục vở kịch các thể loại đề cập ít hoặc nhiều đến Điêu Thuyền.
Mỹ nhân đại diện cho những số phận “hồng nhan bạc mệnh” vì những mưu toan chính trị trong lịch sử Trung Quốc, đã làm cho bánh xe lịch sử phải đổi hướng khi khiến liên minh Đổng Trác - Lã Bố bị tan rã.
Người đẹp làm thay đổi cục diện chính trị nhà Hán
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Điêu Thuyền vốn là một thị nữ của quan Tư đồ Vương Doãn, sau trở thành con nuôi, tuổi mới đôi tám (16), rất xinh đẹp, lại có lòng tận trung báo quốc. Thấy cha nuôi suốt ngày lo nghĩ về chuyện quan Thái sư Đổng Trác lộng quyền ngang ngược, làm loạn triều đình, bèn tự nguyện hiến dâng thân mình để đối phó kẻ “loạn thần tặc tử”.
Trác có người con nuôi là Lã Bố rất kiêu dũng, muôn người không địch nổi, như Hổ thêm cánh, không ai dám tiếp cận để hành thích. Vương Doãn đã sử dụng mỹ nhân kế, dùng Điêu Thuyền để mê hoặc cả Đổng Trác lẫn Lã Bố rồi khích bác để hai cha con đối đầu với nhau.
Mưu sĩ Lý Nho của Đổng Trác biết trước sự nguy hiểm của Điêu Thuyền, nhưng không sao can thiệp được mà chỉ biết thốt lên "Bọn ta đều chết cả về tay người đàn bà này". Vương Doãn hứa gả nàng cho Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác.
Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ. Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác. Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Trác phải nổi cơn ghen, rút kích ném Lã Bố để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình.
Kết quả, Lã Bố đã hợp tác với Vương Doãn để giết chết Đổng Trác. Sau khi cưới được Điêu Thuyền làm thiếp, Lã Bố rời khỏi Trường An mang theo cả vợ cả là Nghiêm Thị và Điêu Thuyền. Về sau, khi Tào Tháo vây đánh Lã Bố ở Hạ Bì, mưu sĩ của Bố là Trần Cung khuyên Bố mang khinh binh đi chặn cướp lương thảo của Tháo. Bố trù trừ không quyết, bèn hỏi hai người vợ.
Điêu Thuyền nói: “Tướng công, xin đừng khinh suất ra ngoài”. Thế là Bố quyết tâm tử thủ trong thành, ngày đêm uống rượu giải sầu với người đẹp, không thiết tha với việc bên ngoài khiến tướng sĩ chán nản, lòng quân ly tán, cuối cùng bị bắt và bị Tào Tháo giết chết.
Lã Bố và Điêu Thuyền trong phim |
Giải mã về thân thế, kết cục số phận Điêu Thuyền
“Tam Quốc diễn nghĩa” không nói gì đến kết cục của Điêu Thuyền. Các tác phẩm văn nghệ sau này thường căn cứ vào nội dung trên đây của “Tam Quốc diễn nghĩa” rồi thêm thắt những “hậu truyện”, như: “Quan Công thả Điêu Thuyền dưới trăng”, nói Tào Tháo sai giết Điêu Thuyền, nhưng Quan Vũ thấy nàng quá đẹp bèn lén thả cho đi, sau không rõ về đâu; hoặc “Quan Công che mặt chém Điêu Thuyền”: Quan Vũ sợ vẻ đẹp khuynh nước khuynh thành của nàng sẽ khiến thiên hạ đại loạn nên “che mặt” mà chém.
Lại còn có giai thoại dã sử: Sau khi Lã Bố bị giết, Điêu Thuyền đã trở thành thiếp của Quan Vũ… Điều bất ngờ là cách đây ít năm, khi khai quật hai ngôi mộ của Quan Vũ ở Dương Thành và Đương Dương, người ta đều thấy có một hài cốt phụ nữ được chôn cùng để “phối âm hôn”. Có ý kiến cho rằng, người phụ nữ trong ngôi mộ ở Đương Dương chính là Điêu Thuyền!
Trong chính sử, cái tên “Điêu Thuyền” không hề được nhắc tới, chỉ có ghi “Lã Bố tư thông với thị tỳ của Đổng Trác”. “Tam Quốc chí. Lã Bố truyện” của Trần Thọ có nêu: “Trác thường sai Bố giữ nhà giữa. Bố tư thông với thị tỳ của Trác, bị phát giác, Trác trong lòng không yên” và cũng không ghi rõ tên người thị tỳ ấy là Điêu Thuyền.
Học giả nổi tiếng Mạnh Phồn Nhân, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu quản lý khoa học Trung Quốc, Phó hội trưởng văn học cổ điển tỉnh Sơn Tây… đã bỏ công khảo chứng và kết luận: Điêu Thuyền tên thật là Nhiệm Hồng Xương, quê ở huyện Cửu Nguyên, Bình Châu, Sơn Tây, 15 tuổi được tuyển vào cung, làm việc quản lý mũ bằng lông chồn (Điêu) của các quan thời đó, nên đổi tên thành Điêu Thuyền.
Trong số các quan, Điêu Thuyền nhận Tư đồ Vương Doãn làm cha nuôi. Tuy nhiên, lại có giả thuyết Điêu Thuyền quê ở huyện Lâm Diêu, Cam Túc. Nàng cùng quê với Đổng Trác nên được Vương Doãn nhắm tới, thừa cơ tiếp cận Trác, thực thi kế sách ly gián.
Mới đây, ở Trung Quốc đã xuất bản cuốn “Nói chuyện 100 năm Tam Quốc” của Gia Cát Văn trong đó nghiên cứu, phân tích kỹ về mỹ nhân Điêu Thuyền. Tác giả cho rằng, các chính sử như “Hậu Hán thư”, “Tam Quốc chí” đều không ghi chép gì về Điêu Thuyền, cho đến nay chẳng ai biết cụ thể diện mạo thực của đại mỹ nhân này thế nào. Điều đó khiến cho thân thế của nàng càng ly kỳ, bí ẩn. Hiện tồn tại mấy giả thuyết chính sau:
Thứ nhất, Điêu Thuyền là ca kỹ của Vương Doãn như trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Doãn là người huyện Kỳ, Thái Nguyên thời Đông Hán, thời Hán Linh Đế là quan Thích sử Dự Châu, sau khi Hiến Đế lên ngôi được phong làm Tư đồ, một trong 3 quan chức cao nhất. Khi đó đúng vào lúc Đổng Trác lộng quyền, làm loạn triều chính.
Vương Doãn đã dùng mỹ nhân kế để trừ bỏ kẻ nghịch tặc này. Điêu Thuyền được chọn để dùng sắc đẹp chia rẽ cha con Đổng Trác – Lã Bố, mượn tay Bố để giết Trác. Nhưng đó chỉ là chuyện xảy ra trong tiểu thuyết.
Điêu Thuyền trong tranh cổ |
Giả thuyết thứ hai, Điêu Thuyền là vợ của Lã Bố. Bố tên tự Phụng Tiên, người huyện Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên (Bao Đầu, Nội Mông ngày nay). Lúc đầu Bố theo Đinh Nguyên, Thích sử Bình Châu, sau theo Đổng Trác, cuối cùng lại hợp mưu với Vương Doãn để mưu sát Trác, được phong tước Ôn Hầu, nhưng cuối cùng cũng bị Tào Tháo bắt giết.
Theo “Tam Quốc chí. Ngụy Thư. Lã Bố Trương Mạo Tàng Hồng truyện” có ghi: “Bố gặp Lưu Bị, rất kính trọng, mời Bị ngồi lên giường, bảo vợ vái lạy, rồi dọn rượu thịt ăn uống”. Qua đó có thể thấy, Lã Bố có một người vợ đi theo quân. Sách này cũng chép lại chuyện khi bị Tào Tháo đánh, Lã Bố nghe lời vợ:
“Trần Cung, Cao Thuận bất hòa, tướng công nếu ra ngoài, Cung, Thuận tất không đồng lòng giữ thành; nếu có trắc trở thì tướng quân sao vững được?” nên không mang quân ra đánh cướp lương thảo của Tháo theo kế của Trần Cung “Bố nghe lời vợ, buồn rầu mà không tự quyết”. Căn cứ vào đoạn đối thoại trong sách, người ta đoán người vợ chính là Điêu Thuyền.
Thứ ba, Điêu Thuyền là tỳ nữ của Đổng Trác. Trác nguyên là cường hào đất Lương Châu, thời Hán Linh đế là Bình Châu mục. Năm Thiệu Ninh thứ nhất (189), Trác dẫn quân đánh vào Lạc Dương, phế bỏ Thiếu đế, lập Hiến đế, tự phong Thái sư, nắm quyền triều chính.
Tào Tháo và Viên Thiệu dấy binh chống Trác, sau Trác bị Lã Bố giết chết. Theo “Hậu Hán thư. Lưu Yên Viên Thuật Lã Bố truyện” có ghi: “Trác cho Bố làm Kỵ Đô úy, thề làm cha con, rất là yêu quý. Có lần mất lòng Trác, Trác rút kích ném Bố, Bố nhanh mắt tránh được, từ đó oán giận trong lòng.
Trác lại sai Bố giữ nhà giữa, (Bố) lại tư thông với thị tỳ, (Trác) trong lòng không yên”. Đó chính là chuyện ném kích ở Phụng Nghi Đình trong truyền thuyết. Từ đó có thể thấy, Điêu Thuyền chính là tỳ nữ của Đổng Trác mà Lã Bố tư thông.
Giả thuyết thứ tư, Điêu Thuyền là vợ của Tần Nghi Lộc. Theo ghi chép trong sách sử, Lộc là bộ tướng của Bố, cũng là cha đẻ của danh tướng Tần Lãng nước Ngụy sau này. Theo “Tam Quốc chí. Thục thư.
Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện” chú dẫn “Thục ký”, viết: Tào Tháo và Lưu Bị vây Lã Bố ở Hạ Bì. Quan Vũ nói với Tào Tháo: bộ hạ của Lã Bố là Tần Nghi Lộc đến cứu, diệt xong, xin được lấy vợ hắn. Tháo đồng ý. Phá giặc xong, Tháo nghi người này đẹp hơn người nên truyền gọi đến xem rồi giữ lại cho mình. Quan Vũ rất tức giận”.
Có truyền thuyết nói Quan Vũ tức giận bèn giết chết vợ Tần Nghi Lộc. Tích này về sau đã trở thành điển tích để viết thành vở kịch “Quan Vũ chém Điêu Thuyền dưới trăng”. Cho nên, Điêu Thuyền khi này đã được coi là vợ Tần Nghi Lộc.
Tóm lại, dù với bất kỳ giả thuyết nào thì Điêu Thuyền cũng là một mỹ nhân “hồng nhan bạc mệnh” bị cuốn vào vòng xoáy chính trị và kết cục rất bi thảm. Bi kịch của Điêu Thuyền, phản ánh đúng quan niệm nam tôn nữ ty, trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến Trung Quốc.