Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII; buổi sáng ngày 04/11/2010 Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận ở tổ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên điều hành thảo luận.
Luật chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Sau hơn ba năm thực hiện, Luật chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ có tổ chức. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong luật, đồng thời có một số nội dung của luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán là cần thiết.
Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 01 điều trong tổng số 136 điều của Luật hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay, trong đó có những vấn đề chủ yếu như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường; khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trên thị trường có tổ chức; tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán; mở rộng đối tượng áp dụng về quản trị công ty theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, một số điều kiện phát hành chứng khoán...
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thời, việc ban hành Luật chứng khoán cũng như sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết vì chứng khoán là một kênh thu hồi vốn hiệu quả của doanh nghiệp đồng thời là kênh đầu tư của những nhà đầu tư; chứng khoán định giá được giá trị thực của doanh nghiệp (bao gồm cả tài sản hữu hình cũng như giá trị thương hiệu...) và đo được sức khỏe của nền kinh tế... Luật đã điều chỉnh việc lợi dụng việc phát hành chứng khoán riêng lẻ với điều kiện giản đơn để chào bán ra công chúng thoát ly việc kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, gây ảnh hường đến lợi ích của các cổ đông và sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thời các công ty cổ phần đã niêm yết cổ phiếu thì hàng năm phải được kiểm toán đánh giá chính xác giá trị tài sản, hiệu quả kinh doanh. Đồng thời thị trường chứng khoán là lĩnh vực mới, để điều chỉnh kịp thời các phát sinh vướng mắc trong thực tế nên tăng thẩm quyền cho cơ quan Ủy ban chứng khoán nhà nước để xử lý nhanh nhạy những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán...
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Nga đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thời: về địa vị của Ủy ban chứng khoán nhà nước cần phải làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý thị trường chứng khoán. Đại biểu Lê Thị Nga và đa số các đại biểu cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật vẫn còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa được triệt để một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật.
Đức Công tổng hợp