Kỳ diệu “cụ” lộc vừng cổ thụ trên 300 tuổi nở hoa

Quang cảnh xung quanh cây lộc vừng cổ thụ sau khi được nâng cấp, mở rộng
Quang cảnh xung quanh cây lộc vừng cổ thụ sau khi được nâng cấp, mở rộng
(PLO) - Những tuần trở lại đây, người dân sinh sống tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang rất háo hức và phấn khởi khi cây lộc vừng “khủng” nở hoa đỏ rực cả một góc sân. Theo các bậc lão niên, năm nào cây lộc vừng ra hoa nhiều thì năm đó thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Nhiều người đã hái lộc mang về cầu mong may mắn, thịnh vượng.

Lẩn sâu phía sau nhà dân, cây lộc vừng cổ thụ được xem là niềm tin của bà con xóm ấp và người dân khu vực xung quanh. Nó gắn bó nhiều đời, nhiều thế hệ với người dân nơi đây. Mỗi người, từ già đến trẻ đều thân thuộc với cây lộc vừng cổ thụ này.

Tọa lạc tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cây lộc vừng cao khoảng 22m, đường kính gốc khoảng 8m, tán rộng chừng 100 m2  ngụ trên phần đất của ông Lê Văn Út và một phần nhánh lan sang phần đất của ông Lê Bé Ba giáp ranh. Người dân quanh đây quen gọi là cây vừng. Chắc có lẽ vì vậy mà con rạch dài hơn 3km nằm cách đó khoảng 150m cũng có tên là rạch Cây Vừng.

Theo người dân địa phương, cây lộc vừng cổ thụ này được trồng hàng trăm năm trước, gắn liền với quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam bộ. Đến các bậc cao niên trong ấp cũng chẳng biết rõ cây này được trồng từ khi nào và duyên cớ tại sao trong ấp lại có một cây lộc vừng “khổng lồ” như thế.

Ông Cao Văn Sự (người đang trông coi, bảo tồn cây lộc vừng) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thấy cây lộc vừng này sừng sững ở ngoài vườn. Tôi nghe những bậc cao niên kể lại cây này có từ lâu lắm, nhưng không ai biết chính xác từ khi nào”. Trước đây, thân chính của cây rất to nhưng vì gió bão, thân cây mục dần. Hiện nay chỉ còn 2 nhánh phụ đâm chồi, tỏa bóng sang xung quanh.

Theo lời của những người cố cựu truyền lại, cây lộc vừng này mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của tổ tiên, cha ông trước đây. Vì vậy rất được mọi người trân trọng, giữ gìn và chăm sóc. Với người dân địa phương, đây được xem là một cây cổ thụ linh thiêng, có nhiều giai thoại, ly kỳ, huyền bí gắn với thời khai hoang lập ấp nên từ xa xưa tổ tiên ta ở khu vực này đã lập miếu thờ cạnh gốc cây, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng được bội thu, cư dân no đủ. Hàng năm, cứ vào ngày 16/3 âm lịch, người dân nơi đây lại long trọng tổ chức lễ cúng thần, cúng bà với những nghi thức múa, hát đờn ca tài tử… mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam bộ. 

Được biết, trước đây, nơi này là khu căn cứ của cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cây lộc vừng đã trải qua biết bao mưa bom bão đạn của chiến tranh. Do bị trúng bom nên phần gốc cây đã bị thủng một lỗ rất to. Tuy nhiên, với sức sống mãnh liệt, cây vẫn hiên ngang phát triển xanh tươi, tỏa nhánh um tùm. Đến nay, khi tham quan cây lộc vừng, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một vết thủng lớn do dấu tích chiến tranh còn hằn lại. 

Theo người dân nơi đây, mỗi năm cây chỉ ra hoa một lần, nhưng kéo dài đến vài tháng. Hàng năm, cây nở hoa vào khoảng tháng 7 âm lịch nhưng năm nay khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch cây đã ra hoa. Cây bắt đầu trút hết lá già, khoe những lá non xanh mơn mởn. Ban đầu chỉ là nụ rất nhỏ, rồi nhiều và dài dần ra thành những chùm hoa dài 4 – 5 tấc đung đưa, tạo nên nét thi vị tuyệt vời.

Năm nào cũng vậy, độ mùa hoa nở cây lại khoác lên mình một chiếc áo màu đỏ rực cả một vùng quê thanh bình, trông rất đẹp. Người dân đặt trọn niềm tin vào cây lộc vừng này, việc cây nở hoa làm cư dân địa phương vô cùng phấn khởi, bởi theo họ đó là dấu hiệu của một mùa bội thu, làm ăn khấm khá, cuộc sống no đủ. Những năm mà cây không ra hoa người dân buồn rầu, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Phương (48 tuổi, sống gần cây lộc vừng) cho biết: “Năm rồi cây không ra hoa, mùa vụ thất bát. Năm nay cây ra hoa, chúng tôi hoàn toàn có niềm tin vào một vụ mùa thắng lợi, cuộc sống sung túc”.

Nói về sự linh thiêng của cây lộc vừng, chị Phương cho biết: “Không biết người ta cầu được ước thấy như thế nào nhưng có rất nhiều người đến cúng trả lễ. Mọi người xung quanh đây có việc gì cần cầu xin, khấn vái cũng đều ra miếu và dưới gốc cây cầu nguyện”. Vì vậy, nơi đây thu hút rất nhiều du khách lui tới tham quan, chiêm ngưỡng. Mỗi ngày có khoảng 50 – 60 khách đến tham quan, cúng bái và chiêm ngưỡng cây lộc vừng. Đến những ngày rằm, 30 hàng tháng và lễ tết thì du khách đến đông nườm nượp, có khi hàng trăm, hàng ngàn người lui tới.

“Đặc biệt, thời gian này, khi cây ra hoa đỏ rực lại càng cuốn hút và “níu chân” du khách đến tham quan. Không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà nơi đây còn lôi cuốn du khách thập phương từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, TP HCM… đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đa phần các du khách đến đây để cúng bái và xin lộc về nhà cầu mong gia đình hòa thuận, mọi việc bình an”, chị Phương chia sẻ.

Thấy bà Dương Thị Kim Ngọc (du khách ở quận 10, TP HCM) đang cặm cụi với tay hái những nhánh lá, cành hoa lộc vừng, chúng tôi hỏi thì được biết bà đang hái lộc để cầu mong may mắn, bình an. “Cây lộc vừng này linh thiêng lắm, cầu được ước thấy nên tôi hái lộc về cầu mong gia đình được bình an, may mắn, an khang thịnh vượng”, bà Ngọc chia sẻ.

Hiện nay, nhằm mục đích tôn tạo và phát triển nơi này, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch một khu đất hơn 3.000 mét vuông để bảo tồn cây quý này. Ngôi miếu tạm bợ cạnh gốc cây trước đây đã được di dời ra gần đó và xây dựng khang trang thờ Bà Chúa Xứ và Phật Quan âm.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.