Kỳ lạ pho tượng Phật bà vớt lên từ biển
Chùa Thanh Lương (ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được bao bọc bởi cộng đồng dân cư đông đúc, quanh năm sinh nhai bằng nghề chài lưới. Chùa cách biển khoảng 500m, không gian yên tĩnh, khí hậu mát mẻ.
Theo các bậc cao niên ở thôn Mỹ Quang Nam, sự hình thành của chùa Thanh Lương là do những thương nhân người Hoa gây dựng lên. Đến nay, không có tài liệu nào ghi rõ thời gian thành lập chùa. Xưa kia, địa danh vùng đất này là Ma Linh Ma Liên, đến thập niên 60 của thế kỷ XX đổi thành Mỹ Quang và đến năm 2003 được chia làm 2 thôn Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc.
Trước đây, chùa Thanh Lương không có gì đặc biệt, thưa thớt khách vãng lai. Thế nhưng từ năm 2004 đến nay, ngôi chùa này trở nên nổi tiếng bởi đang thờ tự một bức tượng Quan Thế Âm kỳ lạ được ngư dân vớt lên từ biển.
Theo đó, vào sáng sớm ngày 24/12/2004, khi đánh cá ngoài biển, ngư dân của thôn Mỹ Quang Nam phát hiện một pho tượng Phật bằng gỗ đang trôi dập dềnh ngoài biển, cách chùa Thanh Lương không xa. Mặc dù sóng lớn nhưng pho tượng cứ lấp lửng trôi gần bờ chứ không bị sóng cuốn ra ngoài, cũng không dạt vào bờ như những cây gỗ khác. Thấy sự kỳ lạ như thế, ngư dân liền vào bờ rồi đến thông báo cho trụ trì chùa rằng họ phát hiện pho tượng Phật kỳ lạ ngoài biển.
Pho tượng Quan Thế Âm ẩn mình dưới nước ở chùa Thanh Lương. |
Ngay sau đó, trụ trì chùa và phật tử đạo hữu cùng ra xem. Họ phát hiện đó là một pho tượng Quan Thế Âm bằng gỗ, với chiều cao hơn 2m. Sau đó, nhà chùa thông báo đến chính quyền địa phương và tổ chức phật tử ra làm lễ rước tượng Phật về chùa.
Theo Đại đức Thích Quảng Ngộ - Trụ trì chùa Thanh Lương, tượng Phật làm bằng gỗ quý, tạc dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2m, nặng 74kg, bề ngang 0,6m. Vì chịu tác động của sóng gió nên tượng không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ bị bào mòn, 2 cánh tay bị gãy giờ chỉ còn lại dấu vết, tuy nhiên nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Phật Quan Thế Âm.
Sau khi đưa tượng Phật về chùa thờ tự, không ai xác định được xuất xứ cũng như niên đại của tượng mà chỉ đoán khoảng trên 100 năm. Đây cũng là một hiện tượng cực kỳ hy hữu trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng nhà chùa kiên định giữ nguyên hiện trạng.
“Phật tử nơi đây ít gọi bức tượng này là Quan Thế Âm mà hay gọi là tượng Mẹ, biểu trưng đầy ý nghĩa cho người mẹ phương Đông. Khi thỉnh tượng về Tam bảo của chùa, trên tượng chi chít những vết hà biển đục như nói lên rằng mẹ đã phải gánh chịu mọi nỗi khổ, hứng chịu nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là hạnh vị tha của Quan Thế Âm”, Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết.
Từ ngày chùa có tượng Phật Quan Thế Âm, rất nhiều cá nhân và đoàn thể trong cũng như ngoài nước đã đến tham quan pho tượng này. Những bậc giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những nhà nghiên cứu khảo cổ cũng đã từng về chiêm bái và khẳng định sự gặp gỡ nhân duyên có một không hai này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân thôn Mỹ Quang Nam chủ yếu mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản trên biển. Đó là cái nghề quanh năm chung sống với sóng to gió lớn, vì vậy lời kinh tiếng kệ cầu an không thể thiếu vắng mỗi khi ngư dân ra khơi. Để cầu chồng bình an, người vợ thường gửi lời cầu nguyện lên Phật Quan Thế Âm.
“Bà con tin rằng tượng Phật Quan Thế Âm nổi lên ở vùng biển địa phương là có nguyên do, đó là Phật muốn được thỉnh về chùa Thanh Lương. Từ ngày tượng Phật được thờ tự tại chùa, việc ra khơi đánh bắt của bà con ngư dân gặp nhiều thuận lợi. Đời sống người dân ngày một phát triển, từ nghèo khó, nhiều ngư dân đã vươn lên làm giàu, xây nhà lầu sắm xe hơi, không ít người trở thành tỷ phú”, ông Lê Trung Tánh (ngụ thôn Mỹ Quang Nam) cho biết.
Ngôi chùa làm bằng san hô và gáo dừa
Từ ngày đón tượng Phật Quan Thế Âm về thờ, chùa Thanh Lương cũng dần được tôn tạo, đổi mới nhiều hạng mục như: cổng Tam quan, hồ Long Thủy, thiền đường, điện Quan Âm... Ngôi chính điện cùng gian thờ Tổ với tổng diện tích xấp xỉ 1.000m2 được ốp mái, trang trí toàn bộ bằng san hô biển và gáo dừa. Đó là những chất liệu tiêu biểu đặc trưng nơi vùng đất ven biển này.
Từng khối san hô bao đời bỏ phế nơi đầu bờ cuối bãi được nhặt nhạnh mang về phân loại, kỳ công đẽo gọt và mài nhẵn. Sau đó được ốp trang trí mái, lam, đầu rường, mặt tiền theo hình chữ vạn hoặc hình kỷ hà, ngọn sóng. Nội thất bên trong sử dụng muôn vạn mảnh gáo dừa lắp ghép ốp tường tạo hình thay gỗ, với các sắc màu nâu, đen, trắng xen lẫn hài hòa.
Chùa Thanh Lương thờ tượng Phật được vớt lên từ biển. |
Người dân ở đây cho rằng, gáo dừa tượng trưng cho sự thanh khiết, còn san hô được ví như nơi nương tựa của các loài sinh vật biển. Việc dùng san hô biển và gáo dừa để trang trí như muốn thay lời cầu nguyện gửi đến sóng biển, những lời kinh hòa quyện vào biển đảo với ước muốn hòa bình, những chuyến ra khơi bám biển của ngư dân được bình an trở về.
Điểm độc đáo nữa là cách đây khoảng một tháng, chùa Thanh Lương khánh thành pho tượng Quan Thế Âm ẩn mình dưới nước. Pho tượng có kích thước rất lớn, lưng tựa vào hồ nước với tiểu cảnh thoáng mát ngay khuôn viên của chùa. Ý tưởng để xây dựng pho tượng này bắt nguồn từ sự việc nhà chùa đã vớt được tượng Phật Quan Thế Âm từ biển và rước về thờ từ năm 2004.
Kiến trúc tâm linh của ngôi chùa còn thể hiện ngay ở con đường dẫn. Đi qua cổng chùa, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt pho tượng Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên tự tại của một người như đã hiểu hết lẽ đời. Kế đến là không gian của đá, những hòn đá được đặt cạnh nhau tạo nên một thế giới riêng. Toàn bộ cảnh chùa như ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, tạo một cảm giác yên bình.
Theo Đại đức Thích Quảng Ngộ, cái riêng của cảnh chùa là sự giao thoa giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy và mùa xuân thường tại khắp cả thế gian. Cảnh quan ở đây kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách bình dị của người Phú Yên.
“Thanh Lương nghĩa là thanh thản và bình yên. Trong nhịp sống xã hội bộn bề này, đôi khi người ta muốn sống chậm lại và sẽ tìm đến vãng cảnh chùa để tâm được an lạc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tất cả cảnh trí nơi đây đều được bố trí theo ý nghĩa ấy để những thông điệp bình dị này có thể len lỏi vào tâm hồn phật tử đến vãng chùa”, Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết.
Hiện nay, pho tượng Phật Quan Thế Âm bằng gỗ quý, tạc dáng đứng cưỡi rồng từ muôn trùng khơi trở thành “báu vật” thiêng liêng nơi miền đất đầu sóng ngọn gió. Cùng với đó, việc sử dụng chất liệu san hô biển và gáo dừa để trang trí đã tạo nét kiến trúc độc đáo, riêng biệt ở chùa Thanh Lương. Với tâm nguyện của phật tử nơi đây, chùa Thanh Lương đang trở thành điểm hành hương mang giá trị tâm linh độc đáo của tỉnh Phú Yên.