Khám phá lễ Tủ su của người Mông
Nằm rải rác trên sườn đồi núi sinh ở các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An, Thông Nông, Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng đều là những mái nhà của người Mông mang các họ: Hoàng, Sùng, Vương, Dương, Lý… Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chỉ có 3 dòng họ Sùng, Dương, Vương mới có lễ Tủ su. Trong đó, dòng họ Sùng 9 năm mới tổ chức một lần vào tháng 9 âm lịch, còn dòng họ Vương, Dương lại 7 năm diễn ra một lần vào tháng 7.
Các cụ cao niên ở xã Nà Sác, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho hay, trước đây trong 3 dòng họ Sùng, Dương, Vương lễ Tủ su truyền thống được tổ chức riêng rẽ, không quy định ngày giờ để tiến hành nên khi trẻ em đi chăn trâu thường hay đọc những câu thần chú trong buổi lễ. Điều đó đã khiến thần linh trong rừng nổi giận, trừng phạt những đứa trẻ bằng cái chết, thậm chí người thân của những đứa trẻ này cũng bị liên lụy, đau ốm liên miên.
Chính vì vậy, các già làng trong bản đã họp lại và thống nhất sẽ tổ chức vào một ngày tháng để trẻ nhỏ không còn nhớ những câu thần chú đó nữa, tránh mang tai họa đến gia đình, dòng họ.
Anh Sùng A Tua (ở xã Quý Quân, huyện Hà Quảng) cho biết: “Dòng họ Sùng chúng tôi ở trong huyện này có ít lắm, khoảng hơn 100 hộ dân thôi. Các huyện Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lâm cũng có dòng họ Sùng sinh sống nhưng không tập trung một nơi. Lễ Tủ su bây giờ được tổ chức theo hình thức xoay vòng các gia đình trong dòng họ nên mỗi hộ có nhiều thời gian chuẩn bị tiền bạc, lễ vật. Đây là lễ truyền thống nhưng khi tổ chức cũng không tốn kém nhiều tiền bạc như các lễ khác.
Khi bắt đầu tiến hành lễ Tủ su, mỗi gia đình đến dự lễ đều dùng ngọn cỏ gianh để quét những điều xui xẻo đang vây bám gia đình họ, sau đó được cắm tại đầu nhà của gia chủ để phục vụ cho lúc hành lễ. Bởi cỏ gianh có khả năng xua đuổi những điều không may mắn của gia đình. Mặc dù lễ Tủ su đối với dòng họ chúng tôi rất quan trọng, tuy nhiên, về mâm cỗ lại không quá nặng nề, chủ yếu phụ thuộc vào sự chuẩn bị của gia chủ chứ không bắt buộc phải mâm cao cỗ đầy.
Có điều là nhà nào cũng phải chuẩn bị đủ 40 lít rượu, không kể có bao nhiêu người tham gia và dù cho uống hết số rượu đó chủ nhà cũng không được đi mua thêm nữa. Trong lễ Tủ su, chỉ có nam giới mới được làm lễ, còn phụ nữ được gia chủ mời đến để phụ giúp việc bếp núc”.
Thầy cúng dùng cỏ gianh xua đuổi bà Su |
Xin điều may mắn, xua đuổi điều xui
Theo tiếng Mông, lễ Tủ su bắt nguồn từ một người phụ nữ tên Su chuyên mang điều không may mắn, rắc rối đến cho mọi người. Trong lễ Tủ sủ có bài hát gồm 12 đoạn, nội dung chủ yếu là trách mắng bà Su. Theo quan niệm của người Mông, bà Su là người chuyên gieo rắc những vận hạn, như bệnh tật và những kiếp nạn cho người Mông sống trên trần gian.
Vì vậy, họ phải nhờ đến thầy cúng, thầy tào (người Mông gọi là Sí Dì) để bảo vệ con người trên trần gian khỏi những kiếp nạn mà bà Su gieo rắc và đuổi bà Su đi xa khỏi cuộc sống của người Mông. Trong cả 12 đoạn hát có đoạn thể hiện rõ điều này, như: “…Bà Su, bà nói là bà ác, sao bà không dám ló mặt khỏi trời xanh/Bà ló mặt khỏi đêm đen/Chiếu sáng làm gì nơi Sí Dì phơi quần áo/Bà Su, bà nghĩ là bà đông/Sí Dì càng đông hơn, đứng đầy đồi/Bà nghĩ là bà rộng, Sí Dì đứng khắp trần gian…”.
Đây vừa là lễ để giải hạn cũng vừa là dịp để mọi người cùng hát ca. Sau khi các thầy hát hết bài thì lần lượt từng người sẽ phải hát theo. Cứ như thế lần lượt từng người hát và lại nâng ly, những câu hát, những ly rượu bên tiếng cười nói vui vẻ từ chập tối đến 3 giờ sáng. Tuy nhiên, đây mới là màn khởi đầu của lễ Tủ su, đến khi gia chủ chọn 2 người trong số các thầy vừa hát để hành lễ chính cho buổi lễ cũng là lúc buổi lễ được bắt đầu.
Đạo cụ phục vụ buổi lễ là cây họ dương xỉ, trên cây buộc sợi dây màu đỏ, vừa đọc thần chú, tay vừa đảo hạt ngô, nội dung câu thần chú chủ yếu là thách thức bà Su xuất hiện để đuổi bà Su đi mãi theo phương mặt trời lặn, để bà Su không làm phiền đến cuộc sống của dòng họ Sùng, để các gia đình trong dòng họ luôn gặp may mắn, ngô gạo đầy nhà và không ai bị bệnh tật.
Điều quan trọng là khi làm lễ thì thời gian phải được tính khá kỹ lưỡng, kết thúc vào lúc trước khi mặt trời mọc. Xong phần lễ trong nhà, mọi người trong dòng họ sẽ cùng đứng thành nhóm giữa ruộng đồng. Tiếp tục, thầy bắt đầu đọc thần chú mắng chửi bà Su. Cuộn chỉ được nối từ những đoạn do các thành viên trong dòng họ mang đến, tượng trưng cho sự bảo vệ họ khỏi những điều không may mắn.
Thầy tào, thầy cúng vừa đi vừa đọc thần chú, sau đó tiến hành phần múa thách mặt trời, mặt trăng. Xong màn múa cũng là lúc các thầy dùng cung tên tự làm bắn mặt trời. Bó cỏ gianh tượng trưng cho những điều không may mắn sẽ bị các thầy chặt đứt. Khi bình minh lên là lúc hai người hành lễ đi giấu bó cỏ gianh ở phía mặt trời lặn, ý nghĩa nói rằng điều không may sẽ biến mất giống như mặt trời lặn đằng tây.
Các cụ cao niên người Mông cho biết thêm, sau khi hoàn thành lễ Tủ su và trở về nhà gia chủ, những câu chuyện của ngày hôm qua đều không được ai nhắc đến. Mọi người trong dòng họ chỉ được nói về tương lai với những dự định mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đây là tục lễ không được lưu giữ bằng sách vở hay ghi chép bằng hình thức gì mà chỉ được lưu truyền bằng miệng, bằng cách tập trung lắng nghe và thuộc lòng khi các thầy hát.
Tủ su là nghi lễ có tính tâm linh mang ý nghĩa sâu sắc, hi vọng hướng đến điều thiện và sự lạc quan trong cuộc sống. Đồng thời là niềm tin sâu đậm của con người trước những bí ẩn của thiên nhiên để xin được giải hạn và cầu sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình trong dòng họ. Hơn nữa đây còn là thông điệp chung gửi tới tổ tiên, thần linh cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để đoàn kết lao động, sản xuất của cải, vun đắp cho thế hệ con cháu mai sau có cuộc sống khá hơn.