Gánh nặng trên vai trắc thủ góc tà…
Hai ông cho biết, sau khi triển khai trận địa vào tối 25, tối 26 Tiểu đoàn bắn rơi được 1 máy bay F4, đạn còn ít, 6 bệ pháo chỉ còn 3 bệ. Cả Tiểu đoàn cũng khá lo lắng. Kíp 11 người liên tục động viên nhau giữ vững vị trí, sẵn sàng mọi hành động.
Theo điều khiển, mỗi trắc thủ được phân công lái đạn trực tiếp sẽ lái theo các hướng khác nhau. Phương vị lái vòng tròn, cự ly thì ấn định, góc tà nâng lên, nâng xuống.
Đến 9h tối 27 thì phát hiện ra B.52 đang vào. Lúc ấy nó ở độ cao 14km, khi xuống đến 11,5km thì chính thức có lệnh bắn. Trong 3 người, chiến sĩ Nguyễn Đắc Chiêu vẫn phải bám theo tay quay, 2 màn hình kia đã có tín hiệu và ấn nút tự động. Ông Phạm Văn Chắt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 nhớ như in từng chi tiết trong trận đánh lịch sử này.
Ông kể: “Bước sang ngày 27/12, ngày thứ 10 của chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, đêm ấy bầu trời Hà Nội xuất hiện 3 chiếc B.52, dưới sự hộ tống của 85 máy bay phản lực vào đánh phá. Cấp trên chỉ thị chúng tôi đón lõng kiên quyết tiêu diệt B.52.
Tôi cho mở đài 1 và đài 2 đều thu được tín hiệu là một dải nhiễu sáng mịn, ổn định. Với kinh nghiệm 7 năm ở tiểu đoàn chiến đấu trên các địa hình ven biển, rừng núi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An và mạng tình báo của trên, chúng tôi xác định chính xác đã “bắt” được B.52.
Để chắc chắn, cả tiểu đoàn thống nhất đợi nó vào gần mới bắt đầu đánh. Đánh gần sẽ loại trừ được khả năng gây nhiễu và bắn tên lửa không đối đất của đám máy bay hộ tống. Vì thời điểm này tên lửa và máy bay hộ tống phải dành ưu tiên cho B.52 vào trút bom, do đó đây sẽ là thời khắc chiến đấu hợp lý nhất.
Trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị chuyển hoàn toàn sang chế độ bám sát tự động, trắc thủ góc tà bám sát bằng tay. Các tham số ổn định, dải nhiễu vẫn tiếp tục rút ngắn cự ly.
Nguyễn Đức Chiêu, trắc thủ góc tà, người điều khiến bằng tay kể lại diễn biến: Khoảng 10h tối, tiêu độ 9 bắt được nhiễu của B.52 từ khoảng cách 300 km, dải nhiễu mờ và nhạt, càng vào gần nhiễu càng nặng hơn, chiếc B.52 trên máy tính là một màn hình trắng xóa.
Riêng màn góc tà trắng hết chứng tỏ B.52 vào nhiều, kèm theo là các máy bay bảo vệ. Màn phương vị khi bắt được mục tiêu thì ấn nút tự động, cự ly cũng ấn nút tự động.
Ông Chiêu chưa hết xúc động khi kể lại câu chuyện: “Khi màn góc tà không bắt được, màn hình vẫn trắng xóa nên tôi thật sự lo lắng. Tôi phải cố gắng quay hướng lái để bắt cùng với 2 góc còn lại. 3 người đều phải nhằm trúng mục tiêu, nếu lệch nhau thì tên lửa bắn lên sẽ rơi xuống Hà Nội, B.52 sẽ phát hiện ra và cắt bom. Khi ấy không hiểu khu vực Ba Đình sẽ như thế nào…”.
Giây phút vỡ òa chiến thắng…
Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi vừa bám dải nhiễu kết hợp bám sát mục tiêu, lái đạn bên phải, bên trái, đưa tay quay về hướng anh em đang bám dù nhìn trên màn hình không phát hiện được đâu là B.52, đâu là F4, F111.
Trắc thủ góc tà Nguyễn Đắc Chiêu thì lo lắng hơn vì trong khi phương vị và cự ly đã phát hiện được mục tiêu ấn nút tự động thì màn hình góc tà vẫn trắng xóa…”.
Nếu lúc ấy góc tà không bám chính xác, các tham số kỹ thuật không chính xác thì đạn sẽ bắn ra ngoài mục tiêu, cả tiểu đoàn hy sinh là chuyện tất yếu. Trong khoảnh khắc buộc phải chiến đấu để bảo vệ trận địa và khu vực trọng yếu của Hà Nội (B.52 đang di chuyển về hướng Ba Đình), ông Chiêu phải tự phán đoán bằng kinh nghiệm và linh tính của mình.
Khi 2 trắc thủ còn lại đã bám tự động được, sự thành bại của trận chiến gần như được quyết định từ trắc thủ góc tà.
Ông Chiêu nhớ lại: “Thực sự căng thẳng. Tôi không nhìn thấy bất kỳ một tín hiệu nào, buộc phải phán đoán và bám như thế nào để bám đúng vào địa điểm mà 2 trắc thủ kia đã bám. Gần như tôi phải quay vô lăng rất cẩn thận, tốc độ vê cũng phải thận trọng, nhẹ nhàng. Mình phải tính toán để vừa bắn trúng máy bay, vừa gạt được tên lửa nó phóng xuống.
Tốc độ tên lửa bắn hú họa của Mỹ phóng xuống nhanh hơn, đạn nhỏ hơn. Nếu không chuẩn xác mình sẽ hy sinh trước khi máy bay rơi vì tốc độ tên lửa rơi từ trên xuống rất nhanh”.
Cuối cùng, nhờ linh tính, nhờ sự rèn luyện và khả năng phán đoán, trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu đã bám đúng góc B.52 đang vào. Khi nhận được lệnh từ tiểu đoàn trưởng, 3 trắc thủ đã kịp thời phóng đạn và đi đúng một hướng. Một màn lửa tóe lên. Và tiếng hò reo của toàn tiểu đội đến bây giờ vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông Chiêu.
Ít người biết, buổi trưa trước đêm chiến thắng lịch sử, 3 trắc thủ và sĩ quan điều khiển đã chịu một sức ép khá lớn khi nhận được mệnh lệnh “phải tiết kiệm đạn để bắn B.52”. Họ nhớ những khó khăn đã đặt ra vào buổi trưa hôm ấy.
Trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Tuyền thì lo lắng phải “vê” tay quay giữ cho thao tác ổn định. B.52 cơ động hướng không nhiều, nhưng sai một ly đi một dặm. Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa thì hình dung và nắm được các phương pháp bám sát, lái đạn.
Bắn khi nhìn thấy mục tiêu và bắn khi không nhìn thấy mục tiêu đều là phương pháp bắn có cơ sở khoa học. Có điều là nhiễu B.52 nặng quá, trắng đục màn hình… thời cơ quan trọng lắm.
Còn Nguyễn Đắc Chiêu, trắc thủ góc tà thì khẽ nhắm đôi mắt, tay múa nhẹ như “lên đồng”. Nhưng không phải múa, anh đang hình dung ra khi “thằng B” vào đến cự ly bị phát hiện thì dẻ sóng góc tà của anh phải hạ xuống ra sao, đều đều, chắc chắn thế nào. Rồi khi chuyển về bám tự động, bàn tay mở ra sao để ấn tay quay “ngọt” nhất…
Có lẽ Chiêu không ngờ trong trận đấu sống còn này, một mình anh phải điều khiển thủ công chỉ vì màn hình không bắt được tín hiệu B.52…
Cũng ít người biết, trong chiến công xuất sắc này, sĩ quan điều khiển là sinh viên Trường Nông nghiệp, 3 trắc thủ là sinh viên ĐH Bách Khoa… Nhưng cuối cùng thì B52 đã bị hạ gục trước khi nó kịp ném bom san bằng Hà Nội… để bây giờ đang có một cuộc tìm kiếm lịch sử những người bắn rơi máy bay từ 4 phi công Mỹ sống sót trong trận chiến này./.