Có mấy ai “phất” lên nhờ CĐBĐ! Khi trái bóng lăn trên sân thì cũng có bao hệ lụy quay tròn lấy những người mê cá độ… Không bước vào “làng đại gia” cá độ, chúng tôi chỉ tìm hiểu những người chơi thuộc hạng trung. Chỉ vài chục đến vài trăm nghìn mỗi đêm, biện minh cho sự “chơi cho vui, coi mới máu” và chuyện được - mất thì đã thấy trước mắt, nhưng có ai đủ sức để “bứt” ra khỏi những cuộc vui.
>> Kỳ 1: Muôn nẻo đường cá độ
Gác lại chuyện ôn thi vì cá độ…
Không ít học sinh các tỉnh thành trong cả nước đổ về Đà Nẵng ôn thi nhưng vì ham mê cá độ nên đã bỏ bê chuyện ôn tập. (ảnh chỉ có tính minh họa)) |
Không phân biệt thành phần, lứa tuổi, CĐBĐ là “sân chơi” của những người ham bóng, ham cá. Trong mùa World Cup 2010 này, đã không ít học sinh các tỉnh, thành đổ về Đà Nẵng ôn thi và vì cá độ mà họ đã gác lại chuyện học hành, để rồi bỏ lỡ một cơ hội cho tương lai của chính mình. Sau nhiều đêm đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi gặp không ít các sĩ tử ở các tỉnh về Đà Nẵng ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Nguyễn Trường T. (19 tuổi, trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sau khi thi tốt nghiệp đã xin bố mẹ vào thành phố Đà Nẵng học ôn, chuẩn bị cho kỳ thi đại học diễn ra vào tháng 7 này.
Khi đi, T. đã quyết tâm ôn tập thật tốt, dù biết rằng năm nay mùa World Cup diễn ra trùng với mùa ôn thi đại học. Thế nhưng, T. chỉ tu tỉnh được một tuần trước khi World Cup chưa khai mạc. Trong đêm bóng lăn trên sân Nam Phi đầu tiên, đấu tranh tư tưởng mãi nhưng không được, cậu phốc ra quán cà-phê xem bóng đá. Cùng với quan niệm, xem bóng đá không cá độ thì không sướng, T. cùng bạn bè bắt độ tỷ số. Mỗi đêm thức trọn 3 trận, thế là bỏ bê việc ôn tập.
Ban đầu tiền còn, rồi hết dần theo những trận được thua, T. bỏ luôn chuyện ôn tập. Khi tiếp xúc với chúng tôi, T. đã không ngần ngại thổ lộ: Biết làm sao bây giờ anh ơi, chừ hết tiền cũng không dám xin bố mẹ, đành nhờ bạn bè giúp đỡ, sau này về quê rồi gửi trả. Trước khi kịp chia tay tôi, T. còn cho biết thêm, ở trong lớp em học ôn cũng có nhiều bạn như em, trong đó, Lê Văn N. (người Thạch Hà, Hà Tĩnh) mỗi đêm cũng nướng vài trăm nghìn đồng.
Quán cà-phê T.H trên đường Ngô Sỹ Liên (quận Liên Chiểu) đêm nào cũng đông người xem. Có hàng chục gương mặt trẻ măng, nhiều em là những học sinh các tỉnh, thành khác vào Đà Nẵng để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Lắng nghe trong tiếng ồn ào cười, nói, tiếng reo hò và tiếng loa ti vi phát ra, chúng tôi nghe đủ chuyện, nhưng nhiều nhất là bàn về CĐBĐ. Lân la làm quen, tôi cũng tiếp xúc được một số bạn trẻ đang xem bóng đá tại đây.
Nguyễn Mạnh H. (20 tuổi), trú Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết, sau khi thi tốt nghiệp xong, biết chắc thế nào cũng đỗ nên H. xin bố mẹ vào Đà Nẵng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 9 và 10-7. Mới đầu vào, H. học hành nghiêm túc, tuy nhiên, kể từ ngày diễn ra World Cup đến nay, đêm coi bóng đá, ngày ngủ bù, H. quên học quên hành. Điều đáng nói, hằng đêm mỗi trận H. đều bắt tỷ số. Không có tiền, ban đầu chỉ bắt mỗi con 10 nghìn đồng nhưng rồi sau đó mỗi đêm tiền cá độ mỗi nhiều thêm. H. tâm sự: Hơn nửa tháng nay, đêm nào em cũng thua nên phải mượn tiền bạn bè, đến nay số tiền đã lên bạc triệu. H. phải điện về nói dối bố mẹ tiền học ôn tăng để được gửi tiền vào trang trải nợ nần. Có lẽ khi bước vào phòng thi, những bạn trẻ mê cá độ như T., H. chỉ biết gục đầu ngồi ngủ cho hết giờ, vì cái đầu trống rỗng với chập chờn những tỷ số 1-2, 3-0…
Nhọc nhằn mưu sinh để cá độ…
Để cho kỳ thi đại học có hiệu quả cao, học sinh nên gác lại chuyện xem World cup, cá độ để tập trung ôn tập... (ảnh chỉ có tính minh họa) |
Một ngày công của những người lao động phổ thông hiện nay khoảng hơn 100 nghìn đồng. Thế nhưng mùa World Cup, đêm về, họ lại lao vào cá độ mà quên rằng mình đã nhọc nhằn đến thế nào để có được số tiền ấy. Tại một quán cà-phê ở đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà), tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Ph, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tạm trú phường An Hải Bắc đang ngồi xem bóng đá. Trong câu chuyện với tôi, anh tâm sự: Mình vào Đà Nẵng làm phụ hồ từ đầu năm đến nay, công lao động mỗi ngày được 120 nghìn đồng.
Trước đây thì nửa tháng gửi về cho vợ một lần để lo cho mấy đứa nhỏ. Mấy ngày ni, đêm nào cũng đi xem bóng đá nhưng xem mà không cá độ thì buồn nên cũng bắt vài con (vài trận). Mình ít tiền nên chỉ bắt mỗi con vài chục nghìn cho vui. Do không phải là người sành điệu trong việc này nên không nghiên cứu kỹ, đêm nào cũng thua, may lắm là hòa vốn. Cứ nghĩ các đội mạnh như Pháp, Nigieria, Italia… đá trận nào sẽ thắng trận đó nhưng kết quả lại trắng tay.
Do đêm thức, ngày phải đi làm việc nặng nên nhìn anh phờ phạc, đôi mắt lờ đờ vì mất ngủ. Điều đáng nói là tháng này anh không có tiền gửi về cho vợ con ở quê. Anh Nguyễn Văn L. (40 tuổi), trú địa bàn quận Hải Châu đang nhọc nhằn làm việc tại một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Tất Thành. Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi của anh, chúng tôi tiếp cận trò chuyện đủ điều, trong đó không thể không nói đến trận bóng giữa Hàn Quốc và Uruguay vừa diễn ra đêm 26-6.
Trong cảm hứng bóng đá, anh đã tuôn ra đủ chuyện về các đội. Nào là đội Pháp năm nay đá quá kém, đội Nhật đá tốt, đội Argentina sẽ vô địch… Khi hỏi anh có tham gia bắt tỷ số hằng đêm không, anh nhanh nhẩu cho biết: Coi World Cup mà không “độ” không đã! Người giàu thì chơi bạc triệu, dân lao động của mình thì chơi nhỏ cho vui!? Nói thì nói vậy chứ theo anh cho biết là trong hơn nửa tháng nay, anh chỉ mới thắng có 3 lần trong khi thua gần 15 lần, mỗi lần trên một trăm nghìn đồng. Vậy là thu nhập mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, qua chưa đầy nửa tháng đã nướng theo những trận ăn thua…
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ thâm nhập những điểm cá độ hạng nhỏ, lẻ. Nhưng dù chỉ vài ba chục hay vài ba trăm ngàn đồng mỗi đêm, cái được thì chẳng thấy đâu mà mất thì cứ tăng dần theo mỗi trận. Và chẳng ai có thể nói trước được, sau khi hết những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, những đồng tiền xin xỏ thì người ham cá độ sẽ dừng lại hay tìm cách khác để thỏa niềm đam mê. Bao hệ lụy xã hội sẽ nảy sinh từ những trận cá độ tưởng đâu để cho vui đó!
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ