Tuy nhiên, dự kiến khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 sẽ chỉ có 16 chỉ tiêu xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 80% tổng số chỉ tiêu được đánh giá; 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách, tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Chưa cải thiện được bất cập
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, qua đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) cần phải làm rõ “đời sống nhân dân có phấn khởi không, đời sống vật chất có lên không” và phải đánh giá toàn diện các mặt, chỉ ra những mặt yếu kém như cơ cấu kinh tế chưa thật tốt, năng suất chất lượng hiệu quả còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu, lạm phát chưa yên tâm, nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, năng suất lao động xã hội rất thấp, nguy cơ mất ổn định an ninh - quốc phòng vẫn bị đe dọa…
Theo Ủy ban Kinh tế (UBKT) tình hình KT-XH năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Trước đánh giá của Chính phủ về tỷ lệ thất nghiệp chung giảm, Ủy ban này cho rằng, thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.
Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa hợp lý, sinh viên ra trường không tìm được việc làm gây bức xúc trong nhân dân. An toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường... vẫn là nỗi lo lắng thường xuyên của mỗi gia đình; vẫn còn không ít trường hợp lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng tạp chất, chất cấm trong sản xuất, kinh doanh hàng ăn uống, nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Tình hình vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng đáng kể. Chất lượng điều tra, công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn một số hạn chế chưa được khắc phục.
Chỉ tiêu thiếu tính khả thi
Nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, trong khi chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 27,7% GDP như dự kiến của Chính phủ nên UBKT đề nghị chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội tối thiểu là 32% GDP. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tính toán lại chỉ tiêu tăng mức vốn đầu tư toàn xã hội ở mức “tối thiểu phải 30%, trở lên chứ không thể thấp hơn”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề “năm 2015 có tăng lương không, nếu tăng thì lấy tiền ở đâu?” trong khi đó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lo ngại “nợ xấu có xu hướng quay trở lại” nên băn khoăn về chỉ tiêu tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà Chính phủ đề ra.
UBKT cũng đánh giá, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2015 chưa có xu hướng cải thiện nhiều so với năm 2014 nên việc Chính phủ đưa ra chỉ tiêu nhập siêu 5% so với kim ngạch xuất khẩu, tương đương 8 tỷ USD là chưa thuyết phục. Chính phủ đưa ra chỉ tiêu bội chi NSNN là 5% GDP song theo tính toán, nếu cộng với 85 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7% trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Vì vậy, UBKT đề nghị bội chi NSNN tính cả trái phiếu Chính phủ thực tế hơn và phấn đấu khoảng 6% GDP.
Lo ngại trước tình trạng “thu được đồng nào thì chi hết”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị năm 2015 “phải cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng 50% chi thường xuyên, 30% đầu tư, 20% trả nợ”, thu lấy mà chi, cân bằng xuất nhập khẩu, chứ không phát hành để chi, không vay để chi”. Hiện 72% ngân sách đã dành cho chi thường xuyên, còn lại thì vừa trả nợ, vừa đầu tư nên phải đi vay, phát hành trái phiếu, đảo nợ… Chủ tịch Quốc hội đánh giá “đây là cơ cấu rất xấu, phải tính toán lại, chứ đến lúc không có lương thì làm thế nào?”.
Một số chỉ tiêu dự kiến năm 2015:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2% so với năm 2014
- Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 28% GDP
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.