Nhiều vị trí sạt lở cuốn theo hoa màu, đất đai thuộc lòng hồ nhà máy thuỷ điện Trung Việt. |
Dân ven lòng hồ “nơm nớp” lo sạt lở
Trong nhiều năm gần đây, người dân sống bên lòng hồ nhà máy thuỷ điện Trung Việt đã gửi đơn đến cơ quan chức năng nhằm kiến nghị tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla gây ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu cũng như đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của mọi người.
Dẫn chúng tôi đến thăm mảnh vườn của gia đình, Bà Phùng Thị Huệ (58 tuổi, trú tại thôn 14, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) cho biết, nhiều năm nay nước trong lòng hồ thuỷ điện liên tục dâng lên khiến cho hoa màu bị ngập chìm trong nước. Một số điểm giáp với lòng hồ khi sạt lở cũng bị cuốn phăng hàng chục cây cao su to lớn. "Gia đình không dám canh tác gì cả, vì lo sạt lở sẽ ảnh hưởng đến tính mạng", bà Huệ nói.
Theo bà Huệ, các thành viên trong gia đình thường cạo mủ vào rạng sáng nên rất sợ khi đến gần bờ sông. Nhiều năm nay, gia đình đã gửi đơn đến xã và thuỷ điện để kiến nghị việc hỗ trợ hoa màu, đất đai thiệt hại nhưng chưa được giải quyết.
"Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết và có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở để người dân yên tâm sinh sống, canh tác”, bà Huệ bày tỏ.
Sát vườn bà Huệ là hơn 2ha cao su của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (39 tuổi), mảnh vườn 100 mét trải dài theo lòng hồ thuỷ điện. Dọc vườn có khoảng từ 3 – 5 điểm sạt lở lớn, tạo thành các hố hàm ếch lớn, bờ đất yếu rất nguy hiểm nên chị Huệ đã không trồng cao su trong nhiều năm.
Chị Huệ bộc bạch: “Vườn cao su là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng trong những năm trở lại đây khiến nhiều diện tích đất cùng cây cao su bị nước cuốn trôi. Nghiêm trọng hơn khi tính mạng gia đình bị đe doạ mỗi khi đứng canh tác gần các điểm sạt lở. Nhiều lần, chúng tôi đã kiến nghị nhà máy đề bù, hỗ trợ nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết”.
Do tình trạng sạt lở diễn nghiêm trọng khiến người dân phải bỏ hoang một số diện tích hoa màu dọc lòng hồ. |
Hai bên đang thống nhất mức hỗ trợ
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hồ Thanh Tiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Việt cũng thừa nhận việc sạt lở quanh khu vực lòng hồ gây ảnh hưởng đến hoa màu và đất đai của một số hộ dân.
Tuy nhiên ông Tiến cho rằng nguyên nhân sạt lở này cần phải làm rõ bởi một số vị trí nằm trong khu vực lòng hồ có địa hình đồi núi cao, kết cấu nền đất yếu nên khi có mưa nước thấm vào đất khiến cho việc sạt lở xảy ra.
"Nhằm giải quyết hài hòa giữa hộ dân với nhà máy thủy điện, tránh việc khiếu nại nên trong thời gian vừa qua, Công ty đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm đếm số lượng hoa màu bị thiệt hại và sẵn sàng đưa ra mức giá hỗ trợ bằng 50% so với đơn giá quy định của nhà nước nhưng người dân vẫn chưa đồng ý".
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết sự việc nhưng cũng chỉ chấp nhận mức hỗ không vượt quá 70% mức mà Nhà nước quy định vì trước đó đơn vị đã thực hiện đền bù đối với một số diện tích bị ảnh hưởng”, ông Tiến nói.
Ông Đỗ Dũng Sỹ - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết, ông cũng đã nắm được thông tin kiến nghị của các hộ dân sống tại khu vực lòng hồ thuỷ điện Đăk Bla. Ông cho biết, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với Công ty Trung Việt đo đạc, xác định và kiểm đếm phần diện tích đất, cây hoa màu của người dân bị thiệt hại.
Nhà máy thủy điện Trung Việt khởi công xây dựng từ năm 2014, đến năm 2018 mới đưa vào vận hành ( với 2 tổ máy phát điện), công suất lắp máy 15 MW. Trước đó, trong quá trình thực hiện dự án, thuỷ điện đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành đền bù phần diện tích đất, cây cối, hoa màu … bị ảnh hưởng cho người dân trong vùng lòng hồ và phần diện tích đất khu vực lòng hồ.