KLĐT bổ sung vụ nguyên GĐ Sở Y tế Long An: Dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp

Hình ảnh CQTT Long An tìm “chứng cứ” trong vụ việc tại Sở Y tế
Hình ảnh CQTT Long An tìm “chứng cứ” trong vụ việc tại Sở Y tế
(PLVN) - Trong vụ án này, Sở Tài chính Long An từng nhiều lần ra kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Theo Điều 34 Luật này, có căn cứ rõ ràng để cho rằng Sở Tài chính Long An không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định lại, nên không được thực hiện giám định. Thế nhưng CQĐT Công an tỉnh vẫn trưng cầu, Sở Tài chính vẫn “vô tư” tiếp tục giám định.

Sáu năm, bốn lần trả hồ sơ điều tra bổ sung 

Như PLVN đã phản ánh, năm 2014 Sở Y tế Long An thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan. DN trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á. Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. 

Tháng 7/2014, nhà thầu nhập thiết bị về thi công thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, một số thiết bị thay đổi xuất xứ từ Nhật Bản sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Sau khi được báo cáo, GĐ Sở Lê Thanh Liêm chỉ đạo cho dừng thi công để kiểm tra lại.

Tập đoàn Sony sau đó có văn bản khẳng định đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành theo đúng tiêu chuẩn… Sở Y tế ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu điều chỉnh xuất xứ một số thiết bị Sony trong gói thầu từ Nhật Bản, Mỹ; sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Giữa tháng 9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, giá trị 1,92 tỷ. Cần lưu ý, mãi 5 năm sau, ngày 18/9/2019, UBND Long An mới có Quyết định 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án này.

CQĐT Công an tỉnh sau đó khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với ông Liêm. Trong khi đó ngay từ khi bị khởi tố, ông Liêm đã kêu oan, cho biết theo quy định pháp luật thì số tiền 1,92 tỷ chỉ là tiền tạm ứng cho nhà thầu. Phải chờ đến năm 2019, khi tỉnh có quyết toán vốn đầu tư dự án này, thì hai bên mới có quyền tính toán chính xác còn thừa thiếu bao nhiêu, trả lại ngân sách. 

Ông Liêm cho rằng trong dự án này, không hề có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, và cũng không có “hậu quả nghiêm trọng” nào xảy ra; nên cơ quan tố tụng Long An khởi tố điều tra xét xử “vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là vô lý. Ông Liêm khẳng định mình bị oan và cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ việc khi đương nhiệm ông đã không chấp nhận một số DN “sân sau” lũng đoạn ngành y địa phương, nên bị trù dập.

Ông Liêm cũng cương quyết giữ quan điểm trong vụ việc này, cần phải trưng cầu giám định cơ quan TW, để kết luận quy trình tạm ứng thanh quyết toán với dự án trên có đúng hay không? Có hậu quả thất thoát nghiêm trọng hay không?   

Ngày 13/8/2020, sau nhiều lần hoãn, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Ngay trong phần thủ tục, VKS đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ. Tòa chấp nhận. Đến ngày 4/9/2020, VKS trả hồ sơ cho CQĐT công an tỉnh.

Công an tỉnh sau đó điều tra bổ sung hai việc, thứ nhất trưng cầu giám định lại để xác định số tiền thất thoát, và lấy lời khai nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh. 

Không phải giám định viên, cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng ông Sơn vẫn… ký kết luận giám định.
 Không phải giám định viên, cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng ông Sơn vẫn… ký kết luận giám định.

Cần sự vào cuộc của cơ quan giám định TW

Hôm qua (29/9), Công an tỉnh Long An có Kết luận điều tra bổ sung 139/KLĐTBS-CSKT với vụ án. 

Theo đó, ngày 10/9/2020, CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định đề nghị Sở Tài chính giám định tài chính gói thầu. Ngày 25/9, Sở Tài chính ra Kết luận giám định (KLGĐ) số 4213/KLGĐ-STC, cho rằng “Sở Y tế cho nhà thầu thay đổi xuất xứ hàng hóa nhưng không điều chỉnh đơn giá là không thực hiện đúng quy định về quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình”.

Cũng theo KLGĐ: “Sở Y tế đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng với số tiền 1,92 tỷ cho nhà thầu, đã thanh lý hợp đồng và đã được quyết toán chi vào niên độ ngân sách nhà nước 2014. Chênh lệch giá trị giữa tổng tài sản đã nghiệm thu thanh toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của Sở Y tế thanh toán cho nhà thầu là 911 triệu”.

CQĐT cho rằng, căn cứ theo KLGĐ trên thì ông Liêm đã gây thiệt hại 911 triệu (nhà thầu đã nộp 876 triệu hoàn trả ngân sách) và vẫn giữ quan điểm truy tố ông Liêm theo khoản 2 Điều 165 BLHS 1999 “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chưa bàn đến nội dung trong KLGĐ 4213/KLGĐ-STC của Sở Tài chính Long An, chỉ xét về hình thức, thì các bản KLGĐ của đơn vị này trong vụ án đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp (GĐTP).

Chỉ trong một vụ án này, ít nhất Sở Tài chính đã 3 lần giám định và 2 lần bổ sung. Trước đây, trong quá trình thanh tra gói thầu, Sở Tài chính đã có kết luận thẩm định giá 755/KL-HĐTĐG ngày 21/3/2016, “quên” tính toán một số khoản như số tiền dây cáp mạng nhà thầu đã dùng.

Sau khi khởi tố vụ án, CQĐT lại trưng cầu giám định Sở Tài chính. Đơn vị này sau đó có KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/3/2017 và KLGĐ bổ sung 2602/KLGĐ-STC ngày 14/8/2017 để xác định “thất thoát ngân sách 735 triệu”. Trong hai bản kết luận này, số liệu “vênh” so với kết luận định giá phục vụ đoàn thanh tra.

Rồi đến ngày 4/10/2019, Sở Tài chính lại ra KLGĐ bổ sung số 22/KLGD-STC cho rằng có vụ án xảy ra gây thất thoát 911 triệu, số liệu tiếp tục “đá” nhau.

Đặc biệt, KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/3/2017 của Sở Tài chính Long An bị đánh giá không có giá trị pháp lý khi không có chữ ký của Giám định viên, trong khi theo Điều 32 Luật GĐTP, thì KLGĐ buộc phải có chữ ký, ghi rõ họ tên Giám định viên. Một sai phạm nghiêm trọng khác, PGĐ Sở Tài chính Huỳnh Văn Sơn dù không phải là giám định viên, cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng vẫn ký ban hành kết luận giám định, để làm “căn cứ” kết tội.

Ở KLGĐ 2602/KLGĐ-STC ngày 14/8/2017, hình thức giám định tập thể, nên theo Điều 28 Luật GĐTP, “những người giám định cùng thực hiện việc giám định, cùng ký vào bản kết luận giám định”. Thế nhưng tiếp tục vi phạm luật, bản KLGĐ chỉ có một chữ ký phần giám định viên ghi Nguyễn Hữu Linh Giang. Và dù không phải giám định viên, không phải giám đốc Sở, ông Huỳnh Văn Sơn vẫn tiếp tục ký bản kết luận giám định này.

Trở lại với KLGĐ 4213 mới đây, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá, trong vụ án này, Sở Tài chính Long An từng nhiều lần ra kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng Luật GĐTP. Theo Điều 34 Luật này, như vậy có căn cứ rõ ràng để cho rằng Sở Tài chính Long An không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định lại, nên không được thực hiện giám định. Thế nhưng CQĐT Công an tỉnh vẫn trưng cầu, Sở Tài chính vẫn “vô tư” tiếp tục giám định, là “sai phạm chồng sai phạm”.

Trao đổi với PLVN, ông Liêm cho hay không đồng ý với KLĐT mới đây, vẫn giữ quan điểm cơ quan tố tụng Long An phải trưng cầu giám định cơ quan TW. Ông cũng cho hay đang làm đơn đề nghị CQĐT VKSND Tối cao vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi “cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” theo Điều 382 BLHS với các đối tượng đã cố tình giám định sai trong vụ án.

Nhằm làm rõ những tố cáo, phản ánh của ông Liêm về kết luận định giá, PV đã liên hệ làm việc Sở Tài chính Long An. Tại đây, chuyên viên cho biết lãnh đạo đang bận họp nên PV để lại nội dung và sẽ sắp xếp lịch gặp. Hơn 1 tháng sau PV vẫn không thấy lịch hẹn, PV liên hệ lại thì chuyên viên tiếp tục “khất lần”. Đến ngày 25/9, chuyên viên Sở này cho rằng cuối năm bận bịu nên không thể gặp được.

Cũng trong bản KLĐT bổ sung, CQĐT cho biết nguyên đơn dân sự trong vụ án được Chủ tịch tỉnh Long An ủy quyền cho ông Lê Xuân Khang (Sở Tài chính) đại diện tham gia tố tụng.

Đọc thêm

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố
(PLVN) - Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thủy (SN 1980) là công chức địa chính xã Kim Linh (huyện Vị Xuyên) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam
(PLVN) -Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.