Nhiều mô hình sáng tạo
Được triển khai thi hành từ năm 2003 đến nay, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát huy được hiệu quả tích cực. Theo đó, “Tổ hòa giải 5 tốt” phải đáp ứng được 5 tiêu chí: đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; làm tốt công tác phối hợp trong hoạt động hòa giải ở cơ sở tốt; được cung cấp tài liệu, tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời; định kỳ giao ban 6 tháng, hàng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải…
Năm 2019, có 2.447/5.429 tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố đạt 85,6%. Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này như quận Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Ba Đình...
Có thể nói, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn thành phố giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản, quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đội ngũ hòa giải viên phát huy được năng lực, trách nhiệm; vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên ngày càng được quan tâm.
Còn tại Đồng Tháp, mô hình “Câu lạc bộ hòa giải” cũng đã mang lại kết quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Mô hình này được triển khai từ năm 2017 tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò; phường An Hòa, TP.Sa Đéc và xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự.
Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở tự nguyện của các hòa giải viên và tự chủ về chi phí hoạt động. Qua các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ hòa giải đã lồng ghép tuyên truyền những nội dung, quy định mới của pháp luật đồng thời cũng là điểm cung cấp những văn bản quy phạm pháp luật, tờ gấp hỏi đáp pháp luật, sách, báo pháp luật…
Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải so với các năm trước khi thành lập. Cụ thể, năm 2018 tỷ lệ hòa giải thành của xã Vĩnh Thạnh,phường An Hòa là 100%; xã Thường Phước 1 đạt 92,04%. Năm 2019, huyện Lấp Vò đã chủ động ban hành Kế hoạch nhân rộng mô hình này cho 13/13 xã, thị trấn trên toàn huyện. Đến nay, Sở Tư pháp tỉnh đã phát động nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%
Trên địa bàn tỉnh Sóc trăng hiện có 784 tổ hòa giải với 4.312 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đều lựa chọn các hòa giải viên theo đúng tiêu chuẩn của Luật Hòa giải ở cơ sở và cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Trưởng ban nhân dân ấp, khóm; Ban công tác Mặt trận; Đoàn Thanh niên; Chi hội phụ nữ; Chi hội cựu chiến binh…
Trong 5 năm, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 20.403 vụ việc, trong đó hòa giải thành 17.350 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,8%. Thông qua đó đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Công tác hòa giải ở cơ sở cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội tại địa phương đồng thời hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp, góp phần giảm “gánh nặng” cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, xử lý và xét xử vụ việc của các cơ quan Tư pháp.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Nam Định đã thực sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo việc tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ sở và được nhân dân đón nhận ủng hộ.
Các tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được rà soát, kiện toàn và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Hiện toàn tỉnh có 3.650 tổ hòa giải ở cơ sở và 21.751 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật chiếm gần 50%. Chất lượng công tác hòa giải ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt từ 70-80%; số vụ việc tiếp nhận hòa giải giảm dần qua các năm. Trong thực tiễn hoạt động hòa giải ở địa phương cho thấy trình độ dân trí về pháp luật là vấn đề then chốt bảo đảm cho việc hòa giải thành. Vì vậy, tỉnh luôn coi trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân để mỗi công dân hình thành trong ý thức của mình nếp sống làm việc và xử lý theo pháp luật.
Còn Gia Lai với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi cộng đồng dân cư nhiều nét văn hóa, phong tục khác nhau, các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ khối đoàn kết dân tộc do đó công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện tại toàn tỉnh có 2.184 tổ hòa giải với 12.127 hòa giải viên, trong đó có 6.415 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 52,89%). Các hòa giải viên bằng uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng, sự nhiệt tình, tận tâm đã tích cực hòa giải thành nhiều mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ gìn trật tự, trị an trong cộng đồng dân cư. Từ ngày 1/1/2014 – 31/12/2018, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 10.588 vụ việc, trong đó hòa giải thành 9.049 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%.
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh các tổ hòa giải đã linh hoạt hơn trong công tác hòa giải, nắm được quy trình, thủ tục tiến hành hòa giải, phân công hòa giải viên hợp lý, phát huy được vai trò, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cá nhân có uy tín trong cộng đồng. Các tổ hòa giải được cấp sổ theo dõi vụ việc hòa giải, lưu trữ hồ sơ cẩn thận tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, nắm bắt nội dung, diễn biến vụ việc. Nhờ đó, hoạt động hòa giải từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.