Kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh khó khăn song bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nền kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ước đạt 7,45% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 19/63 cả nước và đứng thứ 3/14 so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,75%; khu vực dịch vụ tăng 6,27%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,54%.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Phú Thọ về khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 40,3%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 40,6%.
Ước tính đến hết năm 2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 10,78% so với năm 2022. Trong đó, tiền gửi Việt Nam đồng đạt 84.500 tỷ đồng, tăng 11,06%; tiền gửi ngoại tệ thực hiện 1.500 tỷ đồng, giảm 2,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chịu tác động trực tiếp từ sự biến động của các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, điện, nước sinh hoạt. CPI bình quân cả năm tỉnh Phú Thọ tăng 2,69% so với cùng kỳ do sự tác động của 9/11 nhóm hàng.
Một góc nhìn từ trên cao của thành phố Việt Trì, Phú Thọ (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử TP Việt Trì) |
Ước tính năm 2023, tỉnh Phú Thọ có vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành đạt 45.600,2 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ và bằng 47,25% tổng sản phẩm toàn tỉnh. Trong đó, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 28.507,8 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng vốn, tăng 19,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 8.850,1 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng vốn, tăng 20,3%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 8.242,3 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng vốn, tăng 9,3%.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2023 ước đạt 4.943,6 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.433,6 tỷ đồng, tăng 35,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 6,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 410 tỷ đồng, tăng 7,9%.
Một số công trình tỉnh Phú Thọ có giá trị vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt khá năm 2023 gồm: Dự án cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ ước đạt 348,6 tỷ đồng; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái ước đạt 286,8 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 319, huyện Đoan Hùng ước đạt 189,5 tỷ đồng; đường giao thông liên vùng kết nối đường tỉnh 320D - quốc lộ 70B - IC11 đi khu du lịch Ao Giời - Giếng Tiên và đền Mẫu Âu Cơ ước đạt 180 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối quốc lộ 32 5 với quốc lộ 70B của tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 180 tỷ đồng...
Giá trị xây dựng năm 2023 tỉnh Phú Thọ tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị xây dựng nhà ở tăng 8,6%; giá trị xây dựng nhà không để ở tăng 15,3%; giá trị xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 23,7%.
Tính đến ngày 14/12/2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 988 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 20.341,1 tỷ đồng, tăng 2,5% về số doanh nghiệp và tăng 62,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 58,2% cùng kỳ năm trước.
Trong năm có 333 doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ quay trở lại hoạt động, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 541 doanh nghiệp, tăng 18,6% cùng kỳ. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh là 69 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp năm 2023 tăng 6,57% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,03%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 50.937,8 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 42.176,2 tỷ đồng, chiếm 82,8% tổng mức, tăng 14,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 5.207,8 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức, tăng 42,1%; doanh thu dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 3.553,8 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức, tăng 2,2%...
Tính chung 12 tháng, xuất khẩu tỉnh Phú Thọ ước đạt 10.803 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 8.595 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ.
Tính đến 16/12/2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 7 huyện, thành, thị có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 136/196 xã; trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; 1.655 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới. Bình quân tiêu chí đạt 17,0 tiêu chí/xã.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 93,1%; số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 90,8%; 100% xã, phường, thị trấn có hội trường kiêm nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng.
Công tác hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trong tỉnh Phú Thọ trong năm qua tiếp tục được đảm bảo. Tính đến hết tháng 11/2023, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải quyết cho trên 31,9 nghìn lượt đối tượng vay vốn với trên 1.581 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Phú Thọ kết hợp các nguồn tài trợ khác đã chi hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 465 hộ nghèo với tổng số tiền trên 18,6 tỷ đồng...
Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì và nâng cao. Ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 811/876 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,58%.
Đến năm 2024, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa về an ninh, chính trị, an toàn trật tự xã hội.