Điểm sáng 2017
Tại Diễn đàn VBF 2017, trước đông đảo các đối tác, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng thông báo: “Ở thời điểm năm 2017 sắp đi qua, Chính phủ có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Nổí bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua…”.
Những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận. Tại Báo cáo “Điểm lại”, mặc dù thận trọng khi đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam nhìn về trung hạn sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%, WB vẫn dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2017 đạt 6,7% , thay vì mức 6,3% đưa ra hồi trung tuần tháng 7. Cùng thời điểm đó, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tăng lên 6,7% cho cả hai năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng đã công bố trước đây là 6,3% và 6,5%.
Nhìn lại “bức tranh” kinh tế của cả năm cho thấy, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III, đạt 7,48% so với mức 5,14% quý I và 6,17% trong quý II. Có được kết quả đó, trước hết nhờ sự đóng góp của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính chung 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 14,4%, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2016. Sức mua trong nước tiếp tục tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,16% cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (8,95%).
Đóng góp vào kết quả đó còn nhờ vốn đầu tư toàn xã hội tăng do đầu tư tư nhân và đầu tư FDI tăng cao, mặc dù vốn NSNN hạn hẹp và giải ngân chậm. Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm tăng 12,1%, cao hơn so với cùng kỳ và đạt 33,9% GDP, cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Trong đó, khu vực tư nhân trong nước chiếm 39,9% tổng đầu tư xã hội, tăng 15,9%, cao gấp 1,5 lần mức tăng cùng kỳ năm 2016; khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là vốn FDI thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016 (chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư xã hội).
Tiếp đến là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao so với mức tăng của nhiều năm gần đây (tăng 12,8% so với cùng kỳ), trong khi khu vực dịch vụ tăng 7,25% so với cùng kỳ. Kết quả sản xuất nông nghiệp cũng khả quan hơn cùng kỳ năm trước (là năm chịu tác động nặng nề của thiên tai), mặc dù chỉ tăng 2,78%.
Tín dụng đối với nền kinh tế cũng có đóng góp quan trọng khi tăng 11,02% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ tăng 10,46%). Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần, góp phần giảm chi phí, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Vào những ngày kết thúc năm, một loạt tin vui dồn dập về kim ngạch XNK hàng hoá của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cán mốc kỷ lục 36 tỷ USD; thu hút FDI tăng hơn 42% về số dự án và tăng hơn 44% về vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm so với cùng kỳ;
Triển vọng 2018
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang năm 2018 với những yếu tố thuận lợi nhất định, nhưng thách thức khó khăn là rất lớn.
Trong nước, yếu tố thuận lợi cơ bản là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; cải cách thể chế và TTHC, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí SXKD... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động của DN. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị TW5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nhất là sau Hội nghị cao cấp APEC và trong bối cảnh an ninh tại nhiều nước bất ổn do tình trạng khủng bố.
Khu vực DN nhà nước cũng được kỳ vọng sẽ hoạt động có hiệu quả hơn sau quá trình tái cấu trúc thông qua cổ phần hoá và thoái vốn, cũng như những tiến triển mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kết quả tăng trưởng cao trong năm 2017, dự báo cầu tiêu dùng trong nước năm 2018 sẽ tiếp tục tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất.
Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn thách thức với nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Đó là: Sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, còn nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế chung;Nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm cũng là một trong những yếu tố khiến Việt Nam bị đánh giá phát triển dưới tiềm năng của mình; DN nội địa, đặc biệt là DN trong ngành công nghiệp phụ trợ chưa cải thiện được khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng, sự tăng trưởng và phát triển của DN Việt Nam nói chung…
Việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 cũng là một thách thức cho tăng trưởng 2018, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu... Thực tế cũng cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng DN. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu trong khối ASEAN đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một số ngành sản xuất nếu các DN Việt Nam không nâng cao được năng lực cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao, nhưng khó có thể vượt mức tăng trưởng 2017. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% - 6,7% trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.
* PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
“Nền kinh tế đã có những dấu hiệu về sự thay đổi mang tính đột phá…”
Theo PGS TS Trần Đình Thiên, năm 2017 là năm có những dấu hiệu về sự thay đổi mang tính đột phá, dù chưa thể lật ngược tình thế tăng trưởng.
Đầu tiên, đã có sự dịch chuyển trong cấu trúc ngành nghề của sự phát triển mặc dù sự dịch chuyển này chưa đạt đến “đẳng cấp”. Trước đây tăng trưởng dựa vào dầu thô, khí đốt, khai thác tài nguyên nhiều thì trong năm 2017 những ngành này tăng trưởng âm và được bù lại bằng các ngành công nghiệp chế biến, mặc dù chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp. Đặc biệt, quan trọng hơn là việc gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế, tuy chưa rõ ràng vì kinh tế tư nhân vẫn nhỏ, chưa đủ sức thay đổi được bộ mặt của nền kinh tế, nhưng đã có sự tăng tiến về mặt số lượng và vốn đầu tư trong từng DN.. Đây là những dấu hiệu rất có ý nghĩa phải được ghi nhận trong tăng trưởng và phát triển của Việt Nam năm 2017.
* TS. Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM (HIDS):
Cần mô hình mới cho tăng trưởng bền vững
Theo TS. Trần Anh Tuấn, năm 2018 vẫn còn những vấn đề kinh tế lớn mà Việt Nam đang đối mặt. Đó là tăng trưởng vẫn còn theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, nợ công có xu hướng tăng, hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn vốn cho đầu tư phát triển khan hiếm, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng thích ứng, nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là dấu hỏi lớn.
Vì vậy, đã đến lúc cần mô hình mới cho tăng trưởng bền vững. Trong đó, yếu tố tiên quyết là hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp đó là hoàn thiện hành lang pháp lý cho cổ phần hóa, định giá DN nhà nước, đầu tư công. Phát triển thị trường vốn để san sẻ gánh nặng cho thị trường tiền tệ. Khuyến khích sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ…