Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn “trên nóng dưới lạnh”
Có một điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận và hoan nghênh trong năm 2017 đó là cơ cấu nội ngành của các ngành kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch. Ví dụ như trong công nghiệp, ngành khai khoáng giảm xuống về tỷ trọng thì ngành chế biến, chế tạo tỷ trọng lại tăng lên. Hay trong nông nghiệp, thành quả trong nông nghiệp có phần nào đó của chuyển dịch cơ cấu đã được thực hiện. Việc chuyển dịch cơ cấu vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu nội ngành. Bao nhiêu năm nay tắc nghẽn về năng suất lao động do không chuyển dịch cơ cấu nội ngành được trong khi chuyển dịch cơ cấu giữa ngành năng suất thấp như nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ thì không còn nhiều cơ hội nữa.
Về phần doanh nghiệp (DN), trong 2017 đối với DN Việt Nam là cột mốc đánh dấu 10 năm Việt Nam tham gia WTO, 2 năm thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN…Và tất cả các hội nhập này nó sẽ dồn tiếp những sức ép đối với cộng đồng DN Việt Nam khiến con số DN ra khỏi thị trường được dự báo sẽ còn rất cao. Tôi luôn cảm thấy lo số DN rút khỏi thị trường bởi vì đó là những DN đã hoạt động có thời gian nhất định và đã có đóng góp nhất định cho nền kinh tế. Đến khi họ không đứng nổi nữa do phải chịu sức ép từ nhiều bề.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Nhìn vào tương lai tôi thấy mối lo ngại lớn. Thứ nhất, về những chủ trương đầu tư mới và những ưu đãi gắn với nó, đặc biệt là 3 đặc khu kinh tế được dành cực kỳ nhiều ưu đãi và chủ yếu nhắm vào thu hút đầu tư nước ngoài hơn là cho DN trong nước... Vậy các đặc khu kinh tế này liệu có tạo được thay đổi gì, chuyển đổi gì trong cơ cấu kinh tế hay không? Hay nó chỉ làm tăng GDP nhưng vẫn không làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam thay đổi. Trong khi chúng ta mong muốn tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghệ cao, công nghệ 4.0 nhưng ưu đãi tiếp tục vẫn dành cho khu vực như casino, bất động sản nghỉ dưỡng, các khu resort thì chúng ta liệu có đạt được điều chúng ta kỳ vọng.
Thứ hai, tôi lo ngại là môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là lớn, là liên tục nhưng như những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã thừa nhận, tức là vẫn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, các cấp bên dưới vẫn không có chuyển biến gì đáng kể cho nên môi trường kinh doanh đối với DN cũng vẫn còn vô vàn khó khăn nhất là về mặt thuế, phí, những chi phí không chính thức vẫn tăng cao và vẫn làm cho các DN khó khăn và tiếp tục rút khỏi thị trường. Ngoài ra, về cuối năm có vẻ như Bộ Tài chính đang muốn bảo vệ đề xuất của mình vào năm ngoái mà đã bị nhiều phản ứng về việc tăng thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế như vậy thì sức chịu đựng của nền kinh tế nội địa, của DN trong nước sẽ ra sao đây trong năm 2018 với rất nhiều thách thức.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: “Năng suất lao động của chúng ta quá thấp”
Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là đầu tư nước ngoài. GDP của khu vực FDI chiếm xấp xỉ 20%, giá trị sản xuất công nghiệp của đầu tư nước ngoài chiếm trên 50%, kim ngạch xuất khẩu (XK) của đầu tư nước ngoài là 73%. Kinh tế Việt Nam phát triển như vậy liệu có bền vững không? Giả sử có biến động gì đấy thì rõ ràng kinh tế của chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại |
Năng suất lao động của chúng ta quá thấp. Trong khi vấn đề rất lớn để chúng ta có thể rút ngắn tốc độ phát triển so với các nước xung quanh lại chính là cải thiện năng suất lao động. Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta thấp là do chuyển dịch cơ cấu nội ngành của các DN trong nước còn chậm và các DN vẫn đang chủ yếu tập trung đầu tư vào thị trường tài sản. Tôi luôn cho rằng động lực chính của tăng trưởng phải là DN tư nhân trong nước nhưng thực tế DN khu vực này vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình, tác động vào nền kinh tế là chưa rõ rệt.
Thể chế định ra giới hạn cho môi trường kinh doanh. Nhưng thể chế chúng ta đang gặp 2 vấn đề cực lớn, chúng ta chưa làm tốt. Thứ nhất, đặt DN vào thị trường để tạo ra cạnh tranh. Chính cạnh tranh mới là động lực của tăng trưởng. Bây giờ DN đầu tư nước ngoài, DN nhà nước còn được ưu đãi nhiều quá, cần phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Thứ hai, là vấn đề tích tụ đất đai. Muốn sản xuất lớn hiện này rất khó vì đất đai quá manh mún. Vì thế, cần phải sửa đổi Luật Đất đai, phải làm thế nào để mở rộng hạn điền ra.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Một năm không dễ dàng”
Mặc dù trong năm có tới 16 cơn bão nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,9%, XK nông sản đạt 36 tỷ USD. Rõ ràng, sự chuyển biến của ngành Nông nghiệp trong năm qua cần được đánh giá cao. Qua đó cũng cho thấy tiềm năng phát triển của Nông nghiệp Việt Nam là còn rất lớn cần được đánh giá đúng và khuyến khích trong thời gian tới.
Chúng ta rất hoan nghênh những nỗ lực, tiến bộ của năm 2017 nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng sự đóng góp của kinh tế nội địa rất là thấp. Chúng ta dựa vào DN đầu tư nước ngoài quá nhiều. Ví dụ, vừa rồi Samsung công bố tỷ lệ nội địa hóa của điện thoại thông minh của hãng này là 52% nhưng qua nghiên cứu lại thì đóng góp của DN Việt Nam thực tế chỉ có 15-16% mà thôi. Còn lại là do DN Hàn Quốc theo Samsung vào Việt Nam cung cấp các linh kiện và chúng ta nhận lại và tự nhận là “made in Viet Nam” nhưng bản chất chỉ là đóng gói tại Việt Nam mà thôi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Năm 2018 là hội nhập bản lề, sẽ thực hiện đầy đủ 16 hiệp định thương mại đã ký kết với thuế suất hàng nhập khẩu vào Việt Nam về 0%. Khoản thu từ thuế nhập khẩu trung bình khoảng 13 ngàn tỷ/năm mà bị cắt giảm sẽ gây sức ép rất lớn đến thu ngân sách. Bộ Tài chính phải tìm nguồn thu khác để trám vào và lúc đó sẽ có tác động rất lớn tới sức khỏe nền kinh tế. Do đó, năm 2018 không phải là một năm dễ dàng. Và tôi muốn rung tiếng chuông báo động rằng hãy hết sức tỉnh táo và hết sức nỗ lực trước sức ép của năm 2018.
Năm 2018, chúng ta cũng sẽ đương đầu với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chúng ta có được công nhận có phải là nền kinh tế thị trường. Hiện đã có 65 nước đã công nhận cho chúng ta rồi nhưng nếu Mỹ, Nhật, EU mà không công nhận thì cũng bằng không. Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm Hiệp định Thương mại Việt Nam –EU được trông chờ là liệu có được thông qua không? Nếu không qua thì kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào? Đó là những vấn đề rất đáng chú ý trong năm 2018.
Tôi cũng muốn lưu ý đến tình hình nợ công hiện nay. Trước tình hình hiện nay theo tôi cần phải có một yêu cầu cấp bách tái cơ cấu ngân sách và phải giảm chi thường xuyên. Và chúng ta phải quay trở về sống với thực tế thu ngân sách của chúng ta. Chúng ta không thể chi tiêu một cách quá rộng rãi, quá hoang phí như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn từ thị trường chứng khoán”
Chúng ta đều vui mừng khi những ngày đầu năm thị trường chứng khoán (TTCK) đã vượt lên 1000 điểm. Có vẻ chúng ta rủng rỉnh hơn về mặt sổ sách. Nhưng 1000 điểm đó ở đâu ra? Hình như nó ở trên thị trường thứ cấp, ở thị trường mà cổ phiếu người ta phát hành rồi. Bây giờ mua đi bán lại cứ thế đẩy giá lên. Chỉ những người trao đổi với nhau trên thị trường đó người ta mới được hưởng chứ những DN đã phát hành cổ phiếu họ không được hưởng vì nó không ở trên thị trường sơ cấp.
Câu chuyện tăng điểm chỉ có các đại gia, các nhà đầu cơ được hưởng chứ không phải nền kinh tế được hưởng. Vì thế chúng ta không nên lạc quan thái quá khi nhìn thấy chỉ số Vnindex nó lên như thế. Việc tăng điểm là tốt nhưng chúng ta đừng quá hứng khởi và cho rằng TTCK Việt Nam đang đi thời kỳ phát triển mới. TTCK có phát triển nhưng phải nói bản chất là phát triển chưa ổn định.
Có một thực tế, chỉ có các DN lớn mới đủ khả năng phát hành trái phiếu còn các DN nhỏ và vừa khổ sở đi vay nguồn ngân hàng, thế chấp thì không đủ, tình hình tài chính không đủ. Thành ra họ vay được thì đã là mừng nhưng vay được thì cũng phải lãi suất cao. Phải khẳng định, TTCK chưa phải là nguồn vốn cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Tôi mong năm 2018, Chính phủ sẽ có những chính sách, kế hoạch nâng cấp TTCK để các DN vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận được vốn từ thị trường này.
TS. Nguyễn Đức Thành |
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: “Thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục tăng cao”
2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho NSNN. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN đang thực hiện trong thời gian qua.
Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.