Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, sau 15 năm thực hiện, hết năm 2018, cả nước có 64.081 tổ hợp tác; 8.744 HTX phi nông nghiệp, tăng hơn 2 lần so với năm 2003 và chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế.
Qua 15 năm, đến cuối năm 2018 đã có 3,1 triệu thành viên HTX, tăng 3 lần so với năm 2003. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt từ 50% đến 83%, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp ngày càng tích cực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thống kê cho thấy, có 1,7 triệu lao động làm việc trong HTX phi nông nghiệp, thu nhập 59,1 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 - 2 lần so với HTX nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan chức năng, bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến KTTT. Nhận thức của nhiều cán bộ, người dân, kể cả cán bộ trực tiếp phát triển KTTT và thành viên HTX về bản chất, nguyên tắc, chủ trương, chính sách và pháp luật về HTX còn hạn chế. Các chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng…
Điều này dẫn đến việc số lượng các loại hình tổ chức KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, phần lớn HTX có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; chưa có HTX và liên hiệp HTX cấp tỉnh, vùng để liên kết các HTX với nhau theo chuỗi giá trị...
Đến năm 2030, Liên minh HTX Việt Nam hướng tới mục tiêu số lượng các loại hình KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 8% - 15%/năm. Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là cả nước có 130.000 tổ hợp tác, 15.000 HTX và Liên hiệp HTX, thu hút 5 triệu thành viên và tạo việc làm cho 3 triệu lao động thường xuyên.
Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra cả nước có 260.000 tổ hợp tác; 25.000 HTX và Liên hiệp HTX, thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động thường xuyên. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả từ 80% trở lên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có hội nghị toàn quốc về KTTT sau khi có Nghị quyết 13-NQ/TW.
Theo ông Huệ, sau 15 năm phát triển, KTTT đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp cũng đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.
Tuy vậy, ông Huệ cũng cho rằng, KTTT, HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng và cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua thách thức. Theo ông Huệ, thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó các chủ thể kinh tế thị trường, trong đó có HTX và tổ hợp tác, có “đất” để “diễn”.
Do vậy đề nghị Liên minh HTX Việt Nam, Bộ KH&ĐT làm rõ việc thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 13-NQ/TW trong hệ thống pháp luật, như thực hiện chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất; việc sử dụng tài sản không chia của HTX; phân loại mô hình, khung khổ hoạt động của HTX; kế toán, kiểm toán HTX…, nêu cụ thể những điểm hợp lý và bất hợp lý, đánh giá hiệu quả không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, xã hội, về sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Đảng, MTTQ Việt Nam, vai trò của các đoàn thể trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp; làm rõ chức năng, vai trò, quyền hạn của Liên minh HTX Việt Nam…