Nhiều khó khăn
HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong số các HTX thành lập từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Từ 16 HTX nông nghiệp ban đầu sau chuyển đổi thành HTX dịch vụ tổng hợp quy mô toàn xã, đến nay HTX đang thực hiện mô hình kinh doanh tổng hợp hiệu quả với 13 dịch vụ, trong đó 5 dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và được HTX phục vụ miễn phí.
Hiện HTX đã có 5 đội dịch vụ và 1 DN trực thuộc hoạt động hiệu quả. Năm 2018, doanh thu của HTX đạt 62,5 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng. HTX cũng đóng góp gần 884 triệu đồng cho các hoạt động cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là đất đai. Hiện chưa có nhiều HTX được giao đất, nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ đối với các dự án mới còn các dự án kiểu cũ không được giảm…
HTX tuy có được ưu đãi về thuế thu nhập DN nhưng so với DN chưa thực sự thấy được bản chất và mục tiêu hoạt động của HTX. Luật Phí và Lệ phí cũng chưa quy định HTX là đối tượng được miễn giảm...
Chủ tịch Liên minh HTX Thái Bình, bà Lưu Thị Chỉ cũng phản ánh, mặc dù Luật HTX 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP đã quy định về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhưng thực tế các HTX còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, tài sản thế chấp vay ngân hàng không đủ điều kiện. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn.
Các HTX gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu rất lớn. Bên cạnh đó, việc điều hành và minh bạch tài chính còn nhiều bất cập, mới có khoảng 9,2% số HTX kiểm toán độc lập, chủ yếu là HTX phi nông nghiệp và Quỹ tín dụng nhân dân; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn yếu; một bộ phận thành viên HTX nông nghiệp chuyển đổi còn tư duy nhỏ lẻ, giữ đất… làm kìm hãm sự phát triển của HTX, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường…
“Đảng và Nhà nước đã có những ưu đãi đối với loại hình HTX nhưng thực chất các HTX được thụ hưởng chưa nhiều, một số chính sách còn so sánh, suy bì giữa HTX với DN. Nhiều năm qua, số HTX thành lập mới không nhiều, số HTX khó khăn chiếm tỷ trọng lớn là minh chứng cho các cơ chế, chính sách, ưu đãi của Nhà nước cho thành phần kinh tế này chưa bám sát thực tiễn, thiếu cụ thế... Phải chăng cơ chế, chính sách chưa đi vào thực tiễn cuộc sống như mong đợi?”- Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu băn khoăn…
Có chính sách vẫn trên … giấy
Theo quy định của Luật HTX 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX (Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới HTX, liên hiệp HTX), 2 chính sách ưu đãi (Ưu đãi thuế thu nhập DN và các loại thuế khác; Ưu đãi lệ phí đăng ký HTX, liên hiệp HTX).
Riêng đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác (Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm).
Các chính sách này cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương.
Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2019 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn đánh giá: “Công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm”.
Bộ trưởng cũng khẳng định để đưa kinh tế hợp tác thoát khỏi những yếu kém để phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX là một yếu tố rất quan trọng...