Kinh nghiệm thu hẹp khoảng cách số với người cao tuổi

Robot Paro hỗ trợ chăm sóc người già. (Ảnh: Getty)
Robot Paro hỗ trợ chăm sóc người già. (Ảnh: Getty)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù có những thách thức ban đầu về kỹ năng tiếp cận công nghệ, nhưng người cao tuổi vẫn có thể hưởng lợi rất nhiều từ những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số cho người cao tuổi, từ việc sử dụng AI để phát hiện bệnh Alzheimer đến ứng dụng AI vào giao thông và dịch vụ pháp lý.

AI giúp chăm sóc sức khoẻ người già tốt hơn

Alzheimer và suy giảm trí nhớ là những bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Trong nhiều năm qua, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm đã gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng thường không rõ ràng. Tuy nhiên, với sự phát triển của AI, các công nghệ tiên tiến đang giúp cải thiện đáng kể khả năng chẩn đoán sớm, mở ra tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị cho người cao tuổi.

Một ví dụ điển hình là các hệ thống AI được thiết kế để phân tích dữ liệu từ các xét nghiệm hình ảnh y tế, chẳng hạn như cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp (CT scan). AI có khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường nhỏ mà mắt người có thể bỏ qua, từ đó giúp bác sĩ nhận biết sớm sự suy giảm trí nhớ hoặc các dấu hiệu ban đầu của Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Hình ảnh Y sinh, Đại học California, San Francisco (Hoa Kỳ) đã phát triển một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng chẩn đoán bệnh Alzheimer sớm hơn đến 6 năm so với phương pháp truyền thống. Thuật toán này sử dụng hình ảnh từ các máy quét PET (Positron Emission Tomography), đặc biệt là quét nồng độ glucose trong não để phát hiện những thay đổi nhỏ mà mắt người khó nhận ra. Bằng cách phát hiện sớm, công nghệ này có thể giúp các bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời trước khi tổn thương não trở nên không thể phục hồi.

Trong bối cảnh các phương pháp chăm sóc truyền thống đang khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng gia tăng từ thực tế, các ứng dụng công nghệ mới không chỉ được thiết kế để giao tiếp với người cao tuổi mà còn giúp họ tự quản lý cảm xúc và sức khỏe tâm trí, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị các bệnh liên quan đến trí nhớ.

Đơn cử, nền tảng AI như Replika và Woebot có thể hỗ trợ giao tiếp, kích thích trí nhớ cho người cao tuổi, giúp giảm bớt các triệu chứng suy giảm trí nhớ cũng như duy trì tinh thần. Replika là một chatbot AI có khả năng trò chuyện và xây dựng mối quan hệ cảm xúc với người dùng, giúp họ có thể cảm thấy thoải mái, ít cô đơn hơn. Tương tự, Woebot sử dụng AI và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) để giúp người dùng đối phó với các vấn đề tâm lý, hỗ trợ giảm stress và duy trì tinh thần khỏe mạnh.

Rocket Lawyer cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến với chi phí thấp. (Ảnh: Rocket Lawyer)

Rocket Lawyer cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến với chi phí thấp. (Ảnh: Rocket Lawyer)

Mặt khác, công nghệ robot cũng đang có những bước tiến vượt bậc. Từ trợ lý ảo đến các robot giúp việc nhà, các công nghệ này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người già mà còn góp phần giải quyết các thách thức lớn trong việc chăm sóc họ.

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất thế giới, đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Nhằm giải quyết thách thức này, chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các robot hỗ trợ chăm sóc. Ví dụ điển hình là robot Paro, một chú robot giống hải cẩu được thiết kế để cung cấp sự an ủi và tương tác xã hội cho người già mắc chứng mất trí nhớ.

Paro đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện giao tiếp cho người cao tuổi, đặc biệt là những người sống trong các cơ sở dưỡng lão. Tính đến nay, Paro đã được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác như Đan Mạch, Hoa Kỳ…

Ngoài Paro, robot Pepper của SoftBank cũng là một sản phẩm nổi bật, được phát triển để hỗ trợ người cao tuổi trong các công việc hàng ngày. Pepper có khả năng nhận diện giọng nói và biểu cảm khuôn mặt, từ đó cung cấp các dịch vụ chăm sóc cá nhân hóa như nhắc nhở uống thuốc, lập lịch hẹn.

Hiện nay, các trợ lý ảo như Amazon Alexa hay Google Assistant đã được tích hợp vào nhiều ngôi nhà của người già để giúp họ thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày như bật/tắt đèn, kiểm tra thời tiết, lên lịch hẹn hoặc thậm chí gọi cấp cứu khi cần thiết. Những trợ lý này có thể được điều khiển bằng giọng nói, giúp người cao tuổi, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong di chuyển hoặc thị lực, có thể điều khiển các thiết bị gia đình một cách dễ dàng hơn.

Cùng với đó, các robot giúp việc nhà như Roomba của iRobot đang dần trở nên phổ biến. Roomba có thể tự động hút bụi nhà cửa mà không cần sự can thiệp của con người, giúp giảm bớt gánh nặng duy trì vệ sinh nhà ở cho người cao tuổi. Tương tự, các robot khác cũng đang được phát triển để giúp đỡ các hoạt động chăm sóc cá nhân như tắm rửa hoặc thay đồ, điều này cực kỳ hữu ích cho những người già gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân.

Dịch vụ công nghệ cho người cao tuổi nở rộ

Di chuyển an toàn cũng là một trong những thách thức lớn đối với người cao tuổi, đặc biệt là trong các khu đô thị lớn. Nhiều người cao tuổi gặp khó khăn trong việc lái xe do các vấn đề về thị lực, phản xạ, sức khỏe thể chất suy giảm. Do đó, công nghệ xe tự lái, với sự hỗ trợ của AI, đang trở thành giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này, mang lại sự tự do di chuyển cho người già.

Xe tự lái được trang bị các cảm biến và hệ thống điều khiển thông minh, có thể giúp người cao tuổi di chuyển an toàn hơn mà không cần lo lắng về việc điều khiển xe. Các công ty công nghệ lớn như Waymo (công ty con của Alphabet) và Tesla đã phát triển những dòng xe tự lái với nhiều tính năng tiên tiến, cho phép người dùng ngồi trên xe và hệ thống sẽ tự động điều khiển xe đến điểm đích mà không cần can thiệp của con người.

Waymo đã thử nghiệm xe tự lái trong các khu vực đô thị phức tạp như San Francisco (Hoa Kỳ), nơi hệ thống phải xử lý nhiều tình huống giao thông phức tạp như xe đậu đột ngột và người đi bộ bất ngờ.

Cùng lúc đó, Tesla cũng sử dụng hệ thống Full Self-Driving (FSD), dựa trên dữ liệu từ hàng triệu km đã chạy để cải thiện độ chính xác và tính an toàn trong các điều kiện giao thông thực tế. Những công nghệ này đặc biệt hữu ích tại các thành phố lớn, nơi giao thông đòi hỏi kỹ năng điều khiển cao và sự tập trung cao độ.

Các đô thị khác trên thế giới như Singapore và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) cũng đang tiến hành thử nghiệm xe tự lái, hướng tới một tương lai mà người cao tuổi có thể tận hưởng sự tiện ích của công nghệ này trong cuộc sống hàng ngày.

Công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. (Ảnh: Skynews)

Công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. (Ảnh: Skynews)

Bên cạnh khó khăn về đi lại, người cao tuổi cũng thường khó thể tiếp cận các dịch vụ pháp lý bởi nhiều rào cản như chi phí, thời gian, sự phức tạp của quy trình pháp lý... Ngày nay, sự xuất hiện của các dịch vụ pháp lý trực tuyến đã góp phần không nhỏ, giúp người cao tuổi giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả. Lợi thế của AI là khả năng tự động hóa các quy trình tư vấn pháp lý và cung cấp các dịch vụ trực tuyến 24/7 mà không cần sự can thiệp của con người.

Ví dụ, nền tảng tư vấn pháp lý trực tuyến DoNotPay ở Hoa Kỳ đã sử dụng AI để tạo ra các công cụ tự động giúp người dùng nộp đơn kiện, xử lý các tranh chấp về hợp đồng và tiếp cận các dịch vụ tư vấn miễn phí. AI hỗ trợ đơn giản hóa các quy trình pháp lý, từ soạn thảo hợp đồng, xử lý tài sản thừa kế đến giải quyết các tranh chấp dân sự.

Ở châu Âu, một số quốc gia như Anh và Pháp đã triển khai các dịch vụ pháp lý trực tuyến sử dụng AI để giảm thiểu áp lực lên hệ thống tư pháp, đồng thời giúp người cao tuổi có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Các nền tảng như LegalZoom hay Rocket Lawyer cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến với chi phí thấp, giúp người cao tuổi tiếp cận được các quyền lợi pháp lý của mình mà không cần đến văn phòng luật sư.

Nhìn chung, khó thể phủ nhận, sự hiện diện của công nghệ AI đang mang lại những lợi ích to lớn trong việc thu hẹp khoảng cách số với người cao tuổi trên toàn thế giới. Những sáng kiến này không chỉ giúp người cao tuổi có một cuộc sống tiện nghi và an toàn hơn mà còn tạo ra một môi trường công nghệ thân thiện và bao trùm cho mọi thế hệ.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.