Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là huyện vùng cao biên giới thuộc một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở đến nay toàn huyện đã kiện toàn được 226 Tổ hoà giải ở cơ sở/226 thôn với 904 hoà giải viên.
Thông qua các vụ việc hoà giải, các tranh chấp nhỏ đã được giải quyết trong nhân dân, giảm khoảng 15% các loại vụ việc tranh chấp phải chuyển đến Toà án nhân dân hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Kiện tòa tổ chức và nhân sự làm công tác hòa giải
Để đạt được chất lượng và hiệu quả của công tác hòa giải, kinh nghiệm là Huyện uỷ, UBND các cấp trên địa bàn huyện Mường Khương luôn quan tâm đến công tác hoà giải, có những biện pháp phù hợp duy trì, củng cố và phát triển tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác động tích cực đối với đời sống xã hội.
Hàng năm, Hội đồng phổ biến giáo dục cấp huyện và các xã, thị trấn đều ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung tăng cường các hoạt động của hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã tổ chức kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải. Việc phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận luôn được chú trọng.
Qua 7 năm thực hiện hoạt động hoà giải ở cơ sở, các Tổ hoà giải trên địa bàn toàn huyện Mường Khương đã giải quyết 810 vụ việc mâu thuẫn, trong đó hoà giải thành 760 vụ việc hoà giải về tranh chấp tài sản, các quyền lợi hợp pháp khác trong cộng đồng dân cư đất đai, thừa kế, mua bán, vay mượn...trong sinh hoạt cộng đồng như: tranh chấp trong quan hệ hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ,con cái, họ hàng, làng xóm đường đi lối lại, điện nước... Số vụ việc hoà giải không thành hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 50 vụ việc.
Mỗi thôn có ít nhất 1 Tổ hòa giải
Tại Mường Khương, các Tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập theo mô hình mỗi thôn có ít nhất một Tổ hoà giải, mỗi tổ ít nhất có 03 thành viên, nhiều nhất là 08 thành viên, có thể là đại diện của Mặt trận tổ trận Tổ quốc, Phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi và công an viên. Qua quá trình hoạt động các Tổ hoà giải ở cơ sở đã phát huy được tổ chức tự quản của nhân dân, bởi lẽ hoà giải viên là người sở tại, họ được chính cộng đồng dân cư ở các thôn bầu ra và được chính quyền xã công nhận.
Tuy nhiên còn vấn đề khó khăn nảy sinh khi triển khai như đội ngũ hoà giải tham gia trên cơ sở hiểu biết cá nhân về pháp luật và phong tục tập quán thông nỗ lực cá nhân là chính mà pháp luật thì rất nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản phải được cập nhật thường xuyên, phải nắm được một cách có hệ thống mới có thể giải quyết tốt những vấn đề phát sinh.
Ông Vàng Sảo Dũng, Phó trưởng phòng Tư pháp Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: “Khi triển khai thực tế công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện có một số bất cập về quy định pháp luật hòa giải chưa cụ thể về số lượng hộ dân để thành lập tổ hòa giải nên việc thực hiện không được thống nhất, từ đó số lượng tổ hoà giải và hoà giải viên phân bố không đều trên địa bàn dân cư; quy định về mức chi cho công tác hòa giải không có giá trị pháp lý vì không có kinh phí để chi, nên cơ chế có vẫn nằm trên giấy, ra định mức chi nhưng không có quy định, hướng dẫn cụ thể nên không biết phải thực hiện những chứng từ như thế nào để được quyết toán…”.
Mặc dù còn có những khó khăn nhưng công tác hoà giải đã góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá ở cơ sở, củng cố khối đoàn kết cộng đồng. Hoạt động hòa giải ở Mường Khương cũng đã góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý, qua đó phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo và những điểm không phù hợp với thực tế về các quy định pháp luật để từ đó có những kiến nghị chuyển đến cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trên địa bàn dân cư đã được giải quyết từ gốc rễ, qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng và phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng cân cư.
Nguyễn Lê Hằng