Theo đúng ý nghĩa nhân đạo nguyên bản, ngành công nghiệp tái chế mô người cho phép người mù nhìn lại được (thông qua cấy ghép giác mạc), người què có thể đi lại (bằng cách tái sử dụng gân và dây chằng để tạo lại đầu gối)… Tuy nhiên, một số công ty y dược lại bất chấp thủ đoạn để trục lợi trên thi thể người chết.
Ảnh minh họa. |
Ngày 24/2 vừa qua, nhà chức trách Ukraine phát hiện một sự việc kinh hoàng: rất nhiều phần xương và những bộ phận cơ thể người được nhét trong những thùng lạnh trên một chiếc xe buýt trắng cáu bẩn. Các điều tra viên còn sửng sốt hơn nhiều khi xen giữa những bộ phận người, họ thấy những phong bì rất nhiều tiền mặt và các kết quả khám nghiệm tử thi được viết bằng tiếng Anh.
Đây không phải là sản phẩm của một kẻ giết người hàng loạt mà thực chất là một phần trong đường dây vận chuyển quốc tế những bộ phận người dùng để tạo ra các sản phẩm y tế hay nha khoa vẫn thường được cấy vào cơ thể người khắp nơi trên thế giới.
Những tài liệu thu giữ được cho thấy, thi thể người chết ở Ukraine nói trên đang trên đường tới một công ty ở Đức. Đây là một công ty con của RTI Biologics – công ty chuyên sản xuất các sản phẩm y khoa có trụ sở tại Florida, Mỹ. RTI là một trong những công ty đang rất ăn nên làm ra trong ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ việc biến hài cốt người thành bất kỳ thứ gì, từ những sản phẩm cấy ghép nha khoa, ghép da tới thuốc trị vết nhăn. Ngành công nghiệp này vẫn phát triển dù cho nó đã dấy lên những lo ngại về xuất xứ các bộ phận cơ thể người.
Chỉ tính riêng tại Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất và cũng là nhà cung cấp lớn nhất - ước tính có khoảng 2 triệu sản phẩm có nguồn gốc từ mô người được bán mỗi năm, con số tăng gấp đôi so với thập kỉ trước đó.
Đây là một ngành công nghiệp thúc đẩy các phương pháp chữa trị và theo đúng ý nghĩa nhân đạo nguyên bản, các sản phẩm của ngành công nghiệp này cho phép người mù nhìn lại được (thông qua cấy ghép giác mạc), người què có thể đi lại (bằng cách tái sử dụng gân và dây chằng để tạo lại đầu gối)… Tuy nhiên, đây cũng là ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi tham vọng lợi nhuận trên những thi thể người còn “tươi”.
Lấy ví dụ ở Ukraine, cơ quan an ninh cho rằng, một nhà xác ở quận Nikolaev, gần biển Đen, có thể đang tham gia vào những thương vụ bẩn thỉu mà các nhà điều tra mô tả là đã để lại hàng chục “con người trong hình hài con rối” – những xác chết đã bị tước bỏ hết các bộ phận có thể tái chế được.
Tại Mỹ, từ năm 1994 đến giữa năm 2007, Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi hơn 60.000 sản phẩm có nguồn gốc từ mô người, trong đó vụ thu hồi nổi tiếng nhất là vào năm 2005, liên quan đến Công ty Mô sinh học do cựu bác sỹ y khoa Michael Mastromarino điều hành.
Hồ sơ của tòa án cho thấy, Mastromarino đã trả cho những người phục vụ tại các nhà tang lễ khoảng 1.000 USD cho mỗi cơ thể người chết tại New York và Pennsylvania. Công ty của Mastromarino đã lấy xương, da và các bộ phận có thể sử dụng khác trên cơ thể người chết trước khi trả về cho gia đình người đã khuất. Những gia đình này sau đó đã hỏa táng hoặc chôn cất người thân mà không hề hay biết việc làm vô nhân tính này.
Trong vụ việc nói trên, hơn 1.000 thi thể đã bị chia cắt và các sản phẩm từ thi thể người chết bị đánh cắp sau khi tái chế đã được đưa tới các nước như: Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc Switzerland và Australia, trong đó có hơn 800 sản phẩm vẫn chưa xác định được nơi đến. Tòa án sau đó phát hiện rằng một số người cho mô đã chết vì ung thư và tất cả các mô này đều chưa được xét nghiệm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác.
Để hợp thức hóa hành vi của mình, Mastromarino đã làm giả các thông tin về người cho mô, gồm nguyên nhân tử vong và các thông tin khác. “Tất cả mọi thứ đều được làm giả, mọi thứ, vì chúng tôi có thể” – Mastromarino - người đang thụ án từ 25 đến 58 năm tù vì tội âm mưu, đánh cắp và lạm dụng xác chết nói.
Dù các bác sỹ lo ngại rằng các quy định lỏng lẻo đối với việc cho – nhận mô cũng như nguồn gốc của các mô cho đi có thể dẫn đến tình trạng các mô có bệnh có thể truyền sang người nhận bệnh viêm gan, HIV và các tác nhân gây bệnh khác nhưng giới chức các nước vẫn chưa làm được nhiều để đối phó với mối nguy này.
Trong khi đó, giới chức trong ngành công nghiệp tái chế mô tranh cãi rằng những lạm dụng nói trên rất hiếm và ngành công nghiệp này hoàn toàn trong sạch, an toàn và có trách nhiệm. Bản thân công ty RIT trong một tuyên bố nói rằng, họ “tôn trọng từng bộ phận được hiến tặng bằng cách tìm những cách hiệu quả nhất để sử dụng những bộ phận đó để cứu giúp người bệnh và giúp càng nhiều bệnh nhân càng tốt”.
Thanh Tâm (theo Sydney Morning Herald)