QTV - Hiện nay chưa có chế tài để kiên quyết xử lý những doanh nghiệp nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành là nhận định trong bản báo cáo mới đây của Chính phủ.
Chính phủ vừa gửi bản báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (không bao gồm Vinashin) tới các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo cho biết hiện nay cả nước có 91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có 11 tập đoàn kinh tế nhà nước, 11 tổng công ty đặc biệt. Vốn chủ sở hữu tại 81 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tính đến năm 2009 đạt 554.895 tỷ đồng, đến 30/6/2010 con số này tăng lên 572.582 tỷ đồng.
Vốn sở hữu tại 81 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tính đến tháng 6/2010 là 572.582 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các tập đoàn, tổng công ty này phần lớn giữ vai trò chi phối trong các lĩnh vực điện, xăng, than dầu, xi măng, sắt thép, lương thực... Tỷ suất lợi nhuận (trước thuế) trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2009 là 17,5%, nộp ngân sách nhà nước tăng 4% so với thực hiện năm 2008 và vốn chủ sở hữu năm 2009 tăng 19% so với năm 2008.
Tính đến 30/6/2010, giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty là 1.518.999 tỷ đồng, tăng khoảng 4,8% so với thực hiện năm 2009. Nợ phải phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 là 813.435 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, bằng 0,58 lần so với tổng tài sản.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại phần lớn các tập đoàn, tổng công ty còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý cũng chưa rõ ràng. Những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước thường được phát hiện sau khi thanh tra, kiểm tra tại các tập đoàn, tổng công ty hoặc có khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành của nhiều tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế, chậm thay đổi. Vẫn còn một số tổng công ty hoạt động sản xuất hiệu quả thấp, kinh doanh thua lỗ. Tình trạng lãng phí đầu tư, chậm hoàn thành tiến độ còn tồn tại ở nhiều dự án đầu tư trọng điểm thuộc các lĩnh vực năng lượng, giao thông, cảng biển...
Trong năm qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chúng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản với số tiền khá lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư này chưa mang lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính từ nửa cuối năm 2008 đến nay.
Hạn chế cuối cùng được Chính phủ chỉ ra trong bản báo cáo này là việc chưa có chế tài để kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, kịp thời hoặc nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành, bị xếp loại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ. Đi kèm với đó, một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng hội đồng quản trị, tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc bị cách chức.
Trước năm 2006 khi chưa hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, năng lực tài chính cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty 91 chưa cao. Vốn chủ sở hữu khoảng 180.000-200.000 tỷ đồng; tài sản khoảng 500.000-550.000 tỷ đồng; doanh thu khoảng 320.000-360.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 38.000-40.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 50.000-55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên từ năm 2006 đến nay, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và các tổng công ty đặc biệt đã lớn mạnh. Tính đến tháng 12/2009, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt là 483.000 tỷ đồng, tăng khoảng 140% so với trước năm 2006. Doanh thu đạt 863.000 tỷ đồng, tăng khoảng 139%... |
Theo VnExpress.