Các công ty chứng khoán như KLS, BVS có thị phần môi giới không cao, vì thế để tìm kiếm lợi nhuận phải trông chờ chủ yếu vào hoạt động tự doanh.
Kết thúc mùa báo cáo kết quả kinh doanh 2010, có thể nhìn lại thị trường chứng khoán trong những năm qua.
Các công ty chứng khoán lớn như công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), công ty chứng khoán ngân hàng Sacombank (SBS), công ty chứng khoán ngân hàng Á châu (ACBS)... liên tục báo lãi lớn dù tình hình thị trường có trải qua những thời điểm hết sức khó khăn.
Trong khi đó, ở một thái cực khác, theo báo cáo tài chính quý 4-2010 của Công ty chứng khoán Kim Long, năm 2010 Kim Long lỗ 172 tỉ đồng, còn Công ty chứng khoán Bảo Việt lỗ 92 tỉ đồng. Năm 2009, hai công ty đều có lời.
Trước đó, năm 2008 hai công ty này lỗ lần lượt là 347 và 452 tỉ đồng. Việc hai công ty chứng khoán lớn hàng đầu thị trường báo cáo năm lời năm lỗ nói lên điều gì và tại sao lại như vậy?
Sự khác biệt trên có thể bắt nguồn từ những lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ chiến lược kinh doanh và lợi thế cạnh tranh đã được xác lập của mỗi công ty.
Chúng ta thấy rằng SSI, HSC, SBS, ACBS ngay từ đầu đều đầu tư rất mạnh vào mảng môi giới, vì thế kết quả là họ có thị phần môi giới khá lớn, khi thị trường tăng thì họ vẫn dành một phần đáng kể tiền hỗ trợ hoạt động môi giới để tăng thị phần, còn khi thị trường có dấu hiệu suy giảm thì họ tiết giảm hoạt động tự doanh, dùng phần lớn tiền có được để hỗ trợ hoạt động môi giới thông qua việc cho vay ứng trước, hợp tác đầu tư, repo chứng khoán… Vì thế, trong những năm 2008 và 2010 các công ty này vẫn có lời cho dù thị trường suy giảm đáng kể.
Thứ hai, các công ty chứng khoán này có nguồn vốn chủ sở hữu khá lớn, vì thế vào những thời điểm thị trường vốn cổ phần suy giảm, họ có thể linh hoạt sử dụng đồng vốn của mình để kinh doanh trái phiếu, hỗ trợ nhà đầu tư trong hoạt động môi giới hoặc đầu tư dài hạn vào những cổ phiếu có mức giá khá rẻ để có thể chốt lợi nhuận cho những năm sau đó.
Thứ ba, các công ty chứng khoán được thành lập bởi các ngân hàng sẽ có những lợi thế nhất định về việc tiếp cận nguồn vốn vay để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cũng như những thông tin nhạy cảm trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối từ phía ngân hàng mẹ, vì thế chiến thuật kinh doanh sẽ linh hoạt và độ chính xác vào từng thời điểm sẽ cao hơn.
Điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là độ nhạy và khả năng chớp lấy thời cơ của các nhà lãnh đạo các công ty chứng khoán này trong những thời điểm có tính quyết định.
Qua phân tích các yếu tố trên, chúng ta thấy rằng các công ty chứng khoán như KLS, BVS có thị phần môi giới không cao, vì thế để tìm kiếm lợi nhuận phải trông chờ chủ yếu vào hoạt động tự doanh.
Vào những năm thị truờng chứng khoán có diễn biến thuận lợi thì không nói gì, tuy nhiên khi thị trường diễn biến không thuận lợi thì nếu tự doanh cổ phiếu dễ dẫn đến việc phải trích lập dự phòng thua lỗ, còn nếu không tự doanh thì phải dùng tiền vào hoạt động khác sao cho có khả năng sinh lời cao nhất.
Nếu như năm 2008, các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn, có thể ngừng tự doanh trên thị trường cổ phiếu để kiếm lợi rất lớn trên thị trường trái phiếu, thì năm 2010 cơ hội kiếm lời trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều hết sức khó khăn.
Trong năm 2010, các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn dùng tiền hỗ trợ hoạt động môi giới thông qua việc cho vay ứng trước và hợp tác đầu tư để kiếm lợi, tuy nhiên họ chỉ có thể thực hiện hoạt động này nếu có thị phần môi giới lớn và khả năng quản trị rủi ro tốt.
Cả KLS và BVS đều không có thị phần môi giới đáng kể, vì thế việc nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi chưa thể sử dụng vào mục đích gì thì họ có thể gửi tạm ngân hàng để hưởng lãi suất cao, ví dụ như thời điểm 31-12-2010, KLS gửi tiền có kỳ hạn vào khoảng 1.644 tỉ đồng.
Vậy việc một công ty chứng khoán lớn như KLS tạm thời gửi một số tiền lớn vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao thể hiện một quan điểm hết sức thận trọng của ban lãnh đạo công ty trong tình hình thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đứng về phía cổ đông thì họ luôn kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn thế.
Ở khía cạnh khác, việc một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp dùng phần lớn tiền để gửi tiết kiệm có kỳ hạn thể hiện sự khó khăn trong chiến lược phát triển của tổ chức đó, họ đã không tìm kiếm được cơ hội sinh lời nào cao hơn trong tình hình hiện tại.
Nếu thị trường năm 2011 tiếp tục chưa khởi sắc thì kết quả kinh doanh ở những công ty chứng khoán này sẽ ra sao?
Một vấn đề đáng suy nghĩ nữa là về phía nhà đầu tư, họ sẽ cảm thấy như thế nào khi các đơn vị tư vấn cho mình mua bán chứng khoán nhưng lại hầu như không tham gia hoạt động tự doanh, mà chỉ dùng phần lớn tiền để đầu tư vào các công cụ nợ hoặc chỉ tập trung vào hỗ trợ dịch vụ môi giới.
Theo Th.S Lê Văn Thành(Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán TP.HCM)
Tuổi trẻ