Tình yêu quê hương và những dự án vì cộng đồng
Ông Nguyễn Hoài Bắc sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Không chịu thua số phận, năm 1988, ông quyết định rời quê hương ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời. Sau một hành trình đầy khó khăn, ông được Chính phủ Canada tiếp nhận và trở thành công dân Canada.
Là một con người giàu nghị lực và quyết tâm, ông Nguyễn Hoài Bắc đã vượt qua những khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa, ý thức lao động để có thể bám trụ ở xứ sở lá phong. Khởi đầu bằng nghề rửa chén thuê, dần dần, cuộc sống của ông và gia đình đã ổn định, ngày càng khấm khá. Vất vả là vậy nhưng quê hương không bao giờ phai mờ trong tâm thức ông, mà ngược lại càng ngày càng thôi thúc ông tìm về, góp sức mình xây dựng quê hương. “Mỗi người khi ra đi tìm cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người đều có lý do khác nhau, nhưng dù vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa, ai cũng yêu quê hương. Bởi, người ta có thể đến và sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng nơi sinh ra thì chỉ có một. Người Việt Nam chúng ta luôn nặng lòng với quê hương, với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình và tiếng gọi cố hương luôn neo giữ tâm hồn người viễn xứ”, ông cho hay. Chính niềm tin đó đã thúc giục ông trở về Việt Nam đầu tư sớm hơn nhiều người khác. Trong hành trình đó có cả thành công, có cả thất bại nhưng điều mà ông luôn kiên định là “quê hương chỉ có một”.
Đầu những năm 1990, khi đã có được những thành công nhất định nơi đất khách, ông Nguyễn Hoài Bắc trở về Việt Nam, thành lập Công ty Á Đông Travel International chuyên làm dịch vụ xuất nhập cảnh và nhập khẩu quần áo từ Việt Nam sang bán ở thị trường Canada. Chính thức từ năm 2000, ông bắt đầu các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với mong muốn mang những hiểu biết mà bản thân đã tích cóp được sau nhiều năm bôn ba, học tập và kinh doanh ở hàng chục nước khác nhau để đầu tư về nước. Năm 2002, ông mở Công ty Home Deco chuyên sản xuất chăn, ga, gối nệm với số vốn đầu tư 2 triệu USD tại tỉnh Hải Dương quê nhà. 2 năm sau, ông mở thêm Công ty Phát triển và Đầu tư Đại Sơn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại TP Chí Linh.
Đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng giáo dục - đào tạo là mảng mà ông tâm huyết nhất. Dù nhận thức rõ đây là lĩnh vực rất khó để đầu tư trong điều kiện của Việt Nam, đầu tư vì sinh lời lại càng khó hơn, nhưng ông vẫn quyết dấn thân vì cho rằng đất nước muốn phát triển thì yếu tố con người mới là quan trọng nhất, con người là nguồn tài nguyên không gì thay thế được. Tháng 2/2009, ông và các cộng sự đã khánh thành Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada, với tổng số vốn đầu tư gần 11 triệu USD cũng tại Chí Linh.
Nhờ tư duy sáng tạo, Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada mà ông dành nhiều tâm sức có rất nhiều điểm khác biệt, mới mẻ trong công tác đào tạo, giảng dạy. Ở ngôi trường này, việc thực nghiệm được đặt lên trên lý thuyết, các học viên được thực hành trên những phương tiện, thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ của trường gồm nhiều giáo viên nước ngoài và một số giáo viên được chọn lọc trong nước. Các học viên của trường luôn được sắp xếp đầu ra, có việc làm, bố trí đi xuất khẩu lao động, làm việc tại nhà máy ở Canada. Qua đó, họ vừa có thể mang lại nguồn ngoại tệ cho bản thân, vừa có cơ hội bước ra thế giới, tiếp cận với nước bạn, làm giàu vốn ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, kỹ năng... của mình.
Hiện nay, các công ty mà ông Nguyễn Hoài Bắc đầu tư đều làm ăn khấm khá, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm cán bộ, nhân viên, góp phần làm giàu đẹp thêm mảnh đất Hải Dương. Luôn hướng đến cuộc sống đủ đầy và sẻ chia, ông Nguyễn Hoài Bắc cũng là một người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện trong nước. Chỉ tính riêng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của bão lụt, cá nhân ông đã ủng hộ hơn 8,6 tỷ đồng.
Nguồn lực to lớn đối với sự phát triển của đất nước
Các doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam và kiều bào ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại một Hội nghị do Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN tổ chức. (Ảnh: Cảnh Tiêu). |
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) - Bộ Ngoại giao, cộng đồng NVNƠNN hiện có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Nguồn lực của cộng đồng kiều bào phong phú, dồi dào và có giá trị lâu dài, thể hiện qua việc đóng góp đối với các mặt phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng cho hay, trong 20 năm qua, hoạt động trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân NVNƠNN ngày càng nổi bật. Tổng lượng kiều hối trong giai đoạn từ 1993 - 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ.
Về dự án FDI, tính tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, TP ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Đầu tư của kiều bào chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 840 triệu USD, chiếm 48% vốn đăng ký; tiếp theo là kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và các lĩnh vực khác. Theo thời gian, các dự án đầu tư của kiều bào đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và chất lượng, hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, thực sự góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ trực tiếp trở về đầu tư, với lợi thế am hiểu cả thị trường trong nước và nước ngoài, có mạng lưới quan hệ với các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nhân kiều bào là “cầu nối” quan trọng giới thiệu tiềm năng, phát triển của Việt Nam ra thế giới, góp phần quảng bá, xúc tiến, làm tăng uy tín, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước đối với các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, có tầm quan trọng chiến lược vào Việt Nam thời gian qua có vai trò đóng góp, dẫn đường của kiều bào.
Đến nay, các hội doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đã thành lập 7 trung tâm xúc tiến thương mại và trưng bày hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Nga, Australia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều công ty của kiều bào, hệ thống cửa hàng Việt tại các nước đã đưa được hàng trăm mặt hàng nông sản Việt Nam vào các thị trường khó tính, chặt chẽ về chất lượng. Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 683 tỷ USD của đất nước năm 2023, có phần đóng góp quan trọng của kiều bào. Kiều bào cũng góp phần nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ...
Ông Nguyễn Hoài Bắc. (Ảnh: PV)
Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu về kiều hối tại khu vực Đông Nam Á
Từng đầu tư ở một số nước như Canada, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Nguyễn Hoài Bắc đánh giá cao các chính sách đối với kiều bào, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN, chính sách đối với kiều bào đã tạo được cú hích để tạo được động lực cho phát triển kinh tế. Việt Nam hiện là một trong những nước dẫn đầu về kiều hối trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Hoài Bắc khẳng định, tất cả người Việt Nam khi ra nước ngoài đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc, hình bóng của quê hương và cố hương luôn neo giữ tâm hồn họ. “Ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam; dù quê hương chưa chắc đã giàu có, chưa chắc đã là đỉnh cao, hàng đầu của thế giới nhưng người Việt Nam luôn nhớ về quê hương, gắn bó với quê hương. Sự gắn bó đó không phải là biệt thự, villa mà họ gắn bó với quê hương bằng chính điệu hò, lời ru của mẹ từ ngày xưa. Bản thân tôi cũng vậy, mỗi lần trở về Việt Nam, tôi đều có cảm xúc hồi hộp khó tả ngay từ khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay”, ông nói.