Kiến thức lịch sử sẽ là tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm.
(PLVN) - GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng đã đến lúc phải tính lại để kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo; trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. 

Trước việc điểm trung bình môn Lịch sử tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 chỉ đạt 4,3 – là điểm số có tốt hơn năm ngoái nhưng vẫn tiếp tục là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất, chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì một cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông tại Hà Nội.

Phải để học sử trở thành nhu cầu tự thân của học sinh 

Cô Lê Thu Huyền – giáo viên Trường THPT Sơn Tây cho biết, khi đọc đề thi Lịch sử năm nay, cô và các đồng nghiệp đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh. Tuy nhiên, cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất trong các môn thi.

Giải thích việc dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao, cô Huyền cho rằng có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền. Bên cạnh đó, sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.

“Ví dụ, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc”, cô Huyền nói.

Ở một khía cạnh khác, theo cô Hoàng Thị Lan Hương - Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An, ở trường THPT Chu Văn An, môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không hứng thú với môn học này mà lựa chọn hướng khác. 

“Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp. Thời gian trước đó các em dành cho các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là khối thi 3 môn Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ”, cô Hương chia sẻ.

Còn cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THPT Việt Đức chỉ ra rằng, dù giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú nhưng môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của học sinh nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.

Đồng cảm với những khó khăn của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu không thể để tâm lý “môn phụ” - “môn chính” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. 

Bộ trưởng khẳng định, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này. “Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học sử trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh”, Bộ trưởng nói.

Đưa lịch sử trở thành tiêu chí lựa chọn cán bộ?

Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… nên học sinh rất sợ, khó nhớ.

Các đại biểu tại tọa đàm.
Các đại biểu tại tọa đàm.

“Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”, GS Giang nhìn nhận.

Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS. Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử. Theo GS. Giang, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”. “Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử”, ông nói.

Theo GS. Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Vì vậy, cần phải có lộ trình từng bước một.

Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, phải đổi mới sách giáo khoa theo hướng “chữ nghĩa ít thôi”, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi, nhằm tạo tính hấp dẫn cho môn Sử.

GS.TS Phạm Hồng Tung - Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới- thì gợi mở nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Theo GS. Tung, khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.

Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển - Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội - đặt câu hỏi về biện pháp để đổi mới vị thế đặc thù của môn Lịch sử bên cạnh việc đổi mới chương trình, phương thức đánh giá.

Ông Xuân Trường - chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Có chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy quản lý

 Ghi nhận các ý kiến tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây sẽ là những gợi mở cần thiết để Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử.

“Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới”, Bộ trưởng chỉ đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ.  

Theo Bộ trưởng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính - môn phụ” thì khó đổi mới được.

“Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc. Những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.

Đọc thêm

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.