Theo nhận định của UBND tỉnh Nghệ An, thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh, lưu trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội Xuân năm 2024 sẽ tăng cao, mức độ tiêu thụ điện năng lớn, trong điều kiện thời tiết khí hậu hanh khô sẽ kéo theo nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác PCCC.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC tại các đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy phương châm “4 tại chỗ”. Tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn để chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ.
Công an tỉnh Nghệ An cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng gas, điện, hóa chất.., trang bị phương tiện PCCC, thoát nạn, thoát hiểm; tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, các khu công nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, khu di tích văn hóa, chung cư, nhà cao tầng...
Đồng thời, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức tổng kiểm tra, rà soát về PCCC và CNCH đối với các cơ quan thuộc diện quản lý Nhà nước, các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao như: Khách sạn, quán bar, karaoke, vũ trường, trung tâm thương mại... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Nghệ An, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/11/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ cháy, tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước khoảng 26 tỷ đồng.