Buôn lậu tiềm ẩn nhiều phức tạp
Năm 2018, việc buôn lậu trên biển, trên các tuyến biên giới hết sức phức tạp. Trên tuyến bộ, tại các tuyến biên giới phía Bắc, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử gia dụng, bách hóa tiêu dùng, gia cầm, máy móc, phụ tùng cũ, phế liệu...
Đặc biệt, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả với số lượng lớn. Nổi lên trên tuyến biên giới phía Bắc là hoạt động khai thác cát trái phép. Việc xác định vị trí, tọa độ của tàu vi phạm khó.
Tại tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp, trọng điểm tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An và biên giới tỉnh An Giang.
Riêng đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, từ khi Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, việc vận chuyển bằng xe gắn máy có chiều hướng gia tăng; các đối tượng chia nhỏ số lượng vận chuyển mỗi chuyến từ 500 bao đến dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự.
Ở Tây Nguyên là hoạt động ngăn chặn buôn lậu gỗ tồn đọng trên đất bạn. Hiện trên đất Lào còn khối lượng lớn gỗ quý doanh nghiệp khai thác từ trước. Từ đó xuất hiện thủ đoạn mới, các đầu nậu thuê dân cắt gỗ tạp trên biên giới, rồi thanh lý, bán đấu giá lấy hồ sơ hợp thức hóa mang gỗ quý từ Lào về.
Theo quy định, hàng tạm nhập tái xuất chỉ được đi đường tiểu ngạch. Hàng Việt Nam sang Trung Quốc, hàng Trung Quốc về Việt Nam, hàng quay đầu trở lại. Thực chất là các chủ hàng lợi dụng đường tiểu ngạch để vận chuyển hàng lậu. Phía Biên phòng đề nghị đóng lại nhưng các địa phương đòi mở ra. Lý do, một container hàng, tỉnh thu được 5-6 triệu đồng, một tỉnh thu 500-700 tỷ đồng tiền bến bãi.
Trên tuyến biển tiềm ẩn vấn đề buôn lậu xăng dầu. Việc bắt giữ khó khăn do các đối tượng có nhiều âm mưu, thủ đoạn. Các tàu cá của ngư dân có nhu cầu sử dụng xăng dầu trong khai thác hải sản trên biển rất lớn.
Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch so với giá xăng dầu bán trên biển do một phần xăng dầu lậu không chịu thuế, phí. Việc mua bán được tiến hành ở vùng giáp ranh, vùng đánh cá chung, tàu hai bên vẫn nổ máy, khi tàu biên phòng, cảnh sát biển chạy tới nơi thì tàu buôn lậu đã chạy sang nước khác.
Đối với buôn bán ma túy, sau khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở Sơn La, việc vận chuyển ma túy dạt sang các tỉnh lân cận. Nếu như trước đây, ma túy được vận chuyển từ tam giác vàng qua Lào vào Việt Nam.
Nay các doanh nghiệp nước ngoài mang công nghệ, máy móc, phụ gia sang sản xuất ngay tại Lào nên hàng nhiều, giá hạ. Trước giá bán ma túy tổng hợp là 300-400 triệu đồng/1kg, giờ chỉ còn 120 triệu đồng/1kg, có thể mua một lúc hàng trăm kg. Việc vận chuyển ma túy qua biên giới ngày càng gia tăng.
Trước có chuyến chúng không sử dụng vũ khí nóng. Nay chuyến nào các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy đều mang súng. Người lính đánh án ma túy lúc nào cũng có thể bị hy sinh, đổ máu.
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh-Phó Tư lệnh BĐBP cho biết: “Thời gian qua, khi triển khai Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, lực lượng BĐBP đã gặp một số bất cập, khó khăn. Đối với các vụ vi phạm như vận chuyển pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã…, BĐBP không được quyền điều tra, khởi tố, phải chuyển công an.
Đợt cao điểm, chúng tôi đã bắt mấy tấn pháo nổ nhưng bàn giao là cả một vấn đề. Có tỉnh, BĐBP bàn giao thì nhận luôn, có tỉnh đòi phải giám định. Muốn giám định phải mang đến trung tâm giám định của Công an, giám định phải mất tiền. Khi chưa có kết quả giám định thì giữ ở đâu, giữ kiểu gì, trong khi vụ án chưa khởi tố, còn thời hạn tạm giữ đã hết? Hiện nay, một số đồn biên phòng có nhà tạm giữ, nhiều đồn thì không, bắt người không biết giam giữ ở đâu”.
Không dung túng đối tượng sai phạm
Nói về việc khen thưởng, kỷ luật trong năm 2018, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh BĐBP cho biết: “Trong năm qua, BĐBP được tặng thưởng 9 Huy chương, 11 Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhiều Bằng khen của nước bạn Lào. Lực lượng đánh án ma túy được tặng thưởng trên 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xử lý quyết liệt đối với những trường hợp có dấu hiệu “bảo kê” buôn lậu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đã xử lý 47 trường hợp vi phạm từ cấp tỉnh đến cấp đồn, cấp trạm, từ hạ cấp, cách chức cho đến điều chuyển khỏi vị trí. Hàng năm, các tỉnh đều xem xét điều chuyển cán bộ ở các đồn để không có trường hợp nào ở cố định một chỗ”.
Chiều 15/1, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh về việc thống nhất chỉ đạo kiểm điểm, xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể liên quan tới vụ việc báo chí phản ánh tình trạng “bảo kê” buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra tại huyện Bình Liêu.
Tại buổi làm việc, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã công bố các quyết định của Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh về việc kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô.
Đánh giá việc xử lý này, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Tôi đánh giá rất cao việc Bộ Tư lệnh BĐBP nhanh chóng điều tra, cương quyết xử lý những vi phạm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoành Mô, Quảng Ninh.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã xử lý tốt vụ việc, không dung túng cho những đối tượng sai phạm, không sợ mất uy tín, làm ảnh hưởng đến nhiều đơn vị làm tốt. Đánh án ma túy, buôn lậu, BĐBP hiện có 17 người bị thương, 3 người bị thương nặng, có đồng chí bị liệt cả đời. Không thể có chuyện người hy sinh xương máu, người “bảo kê” sai phạm. Biên phòng làm rất cương quyết để làm gương, để răn đe, như thế, anh em khác mới tốt được”.