Theo đó, cử tri TP HCM đề nghị trình Quốc hội sửa tên Luật Phòng không nhân dân là Luật phòng không quốc gia sẽ dễ hiểu hơn và chỉ có lực lượng Quân chủng Phòng không mới được trang bị các loại khí tài để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia, người dân thì không được, không phù hợp với ý nghĩa phòng không nhân dân.
Liên quan đến kiến nghị này, Bộ Quốc phòng đã đưa ra nhiều nội dung để trả lời. Cụ thể:
Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng, quản lý, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện, ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, trong đó nòng cốt là lực lượng Phòng không quốc gia, lực lượng Phòng không lục quân và sự tham gia của lực lượng Phòng không nhân dân; các lực lượng này được tổ chức, biên chế và bố trí khác nhau trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, hợp thành lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo nên thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, đủ khả năng đánh địch từ xa đến gần, nhiều tầng, nhiều hướng.
Trong đó, lực lượng Phòng không Quốc gia là lực lượng phòng không chủ lực, nòng cốt trong thế trận phòng không của cả nước; lực lượng Phòng không Lục quân là lực lượng phòng không chủ lực của các đơn vị binh chủng hợp thành và phòng không Hải quân; lực lượng Phòng không nhân dân là lực lượng đánh địch rộng khắp trong khu vực phòng thủ ở địa phương và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch (chủ yếu là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ phòng không và lực lượng rộng rãi huy động từ nhân dân).
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của dự thảo Luật xác định: “Luật này quy định về xây dựng, huy động lực lượng hoạt động Phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và đảm bảo an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách trang bị và quản lý nhà nước về Phòng không nhân dân”.
Như vậy, Luật Phòng không nhân dân hướng tới quy định về xây dựng, huy động lực lượng hoạt động Phòng không nhân dân, nguồn lực, chế độ, chính sách trang bị và quản lý nhà nước về Phòng không nhân dân. Còn các lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân thì đã được điều chỉnh bởi Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Sĩ quan Quân đội nhân Việt Nam năm 2014, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Điều lệnh Tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, luật hóa những nội dung còn phù hợp của Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân để thống nhất với Luật Dân quân tự vệ; dự thảo Luật xác định tổ chức lực lượng Phòng không nhân dân bao gồm lực lượng Phòng không nhân dân nòng cốt và lực lượng Phòng không nhân dân huy động.
Việc tổ chức được lực lượng Phòng không nhân dân rộng khắp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng trời trong thời bình; đồng thời, chủ động chuẩn bị lực lượng Phòng không nhân dân cho thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Thứ tư, nếu đổi tên gọi thành “Luật phòng không quốc gia”, chưa thể hiện đầy đủ tính chất của công tác phòng không nhân dân và không phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung và sự cần thiết ban hành cũng như phạm vi điều chỉnh mà dự án Luật hướng tới.