Diễn biến phiên tòa cho thấy, Luật thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Luật mức án 17 - 19 năm tù về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Võ Thị Kiên (SN 1949, ngụ quận 11), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, hành vi của Luật đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với thủ đoạn hết sức tinh vi, giá trị chiếm đoạt đặc biệt lớn, cần xử nghiêm.
Về trách nhiệm dân sự, cần có biện pháp thu hồi các tài sản đã chuyển dịch do phạm tội mà có để trả lại cho các bị hại. Đề nghị HĐXX giữ nguyên hiệu lực các quyết định kê biên tài sản và cấm giao dịch chuyển nhượng đã được CQĐT ban hành theo danh mục.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao làm rõ số tiền Luật khai mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Tây Ninh là hơn 60 tỷ, cùng với số tiền 50 tỷ xây nhà máy, để có biện pháp kê biên, đảm bảo quá trình thi hành án nhằm khắc phục, thu hồi tài sản mà Huỳnh Tấn Luật đã chiếm đoạt.
Đặc biệt, theo luật sư, hành vi của Luật đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại ngân hàng để rút các khoản của bà Kiên gửi trong các sổ tiết kiệm, sau đó đề nghị bà Kiên chuyển thành giấy nợ cá nhân, có dấu hiệu phạm vào tội “Tham ô” và liên quan rất lớn đến trách nhiệm của ngân hàng. Luật sư đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ dấu hiệu hành vi này nhằm xử lý nghiêm minh tội phạm và xác định trách nhiệm dân sự liên đới của ngân hàng.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm của một số cá nhân là người thân trong gia đình Luật, bao gồm Nguyễn Thị Thu Sương (vợ), Huỳnh Thị Thúy Kiều (em ruột), Mai Thanh Thúy (em họ)…
Với luật sư bào chữa cho bị cáo Luật thì cho rằng bà Kiên có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi vì cho vay lãi suất vượt quá quy định… Tuy nhiên phía luật sư bị hại đã lập luận, bác bỏ những vấn đề này. Nêu ý kiến tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng cho rằng, việc cho vay của bà Kiên là bình thường, với lãi suất chấp nhận được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm đó.
Trước đó, do thường xuyên đi tập thể dục với nhau nên bà Kiên quen biết với bà Nguyễn Thị Sương Mai (cùng ngụ quận 11, là mẹ của Luật). Biết bà Kiên có số tiền lớn đang gửi tại các ngân hàng, bà Mai nói với bà Kiên hiện con trai cần tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, nếu bà Kiên rút ở các ngân hàng khác gửi cho Luật sẽ được Luật trả lãi cao hơn so với ngân hàng…
Từ tháng 8/2010, bà Kiên bắt đầu đưa tiền cho Luật và vợ mượn. Sau khi cho vợ chồng Luật vay tiền nhiều lần trong năm 2010, bà Kiên chuyển sang giao dịch với chi nhánh ngân hàng nơi Luật làm việc.
Đến đầu năm 2013, bà Kiên yêu cầu Luật mang tất cả sổ tiết kiệm mà bà đã gửi tại chi nhánh của Luật để lo công việc thì Luật mới thú nhận đã giả chữ ký của bà, rút hết tiền từ các sổ tiết kiệm. Luật xin bà Kiên “tha thứ” và mong bà ký lại hồ sơ giấy tờ để hợp thức hóa khoản tiền mà Luật đã tự ý rút, biến số tiền Luật đã rút thành số nợ cá nhân, chứ không liên quan tới ngân hàng mình làm. Luật nói “sẽ xin nghỉ việc ở ngân hàng, ra ngoài làm công ty riêng, cố gắng kiếm tiền trả nợ cho, còn nếu bị kiện cáo thì chấp nhận đi tù, chứ không còn khả năng trả nợ”.
Bà Kiên cho rằng vì thương cảm nên “đồng ý tạo điều kiện cho Luật con đường sống”. Nhưng bất ngờ tháng 8/2014, bà ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn từ Luật yêu cầu bà phải… trả tiền cho Luật. Bất ngờ hơn, sau đó khoảng một tuần, bà nhận được giấy triệu tập của công an mời lên để làm rõ việc vì sao bà “vay 82 tỷ và 3,5 ngàn lượng vàng của Luật mà không chịu trả”. Luật còn khởi kiện đòi nợ bà Kiên trả số tiền này.
Bà Kiên làm đơn tố cáo Luật. Quá trình điều tra, Luật đã thừa nhận toàn bộ hành vi, rút lại đơn khởi kiện và tiếp tục “mong được thông cảm, tha thứ”. Tính đến ngày bị khởi tố, Luật đang nợ bà Kiên hơn 200 tỷ cùng gần 8,7 triệu USD.
Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào thứ Sáu 28/6.