Vị trí đặt trạm thu giá: phải tham vấn những ai, như thế nào?
Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định: Vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương, đồng thời lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương. Theo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, việc lấy ý kiến các cơ quan địa phương và tham vấn ý kiến nhân dân có thể sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, ví dụ như đối tượng được tham vấn, hình thức tham vấn, thời hạn tham vấn….
Vì thế, trong văn bản góp ý dự thảo gửi Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị quy định rõ các vấn đề này. Cụ thể, cơ quan địa phương được tham vấn bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nơi có dự án đi qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh nơi có dự án đi qua.
Đối với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp vận tải, hiện được tổ chức thành nhiều hình thức như: hiệp hội vận tải, hiệp hội vận tải ô tô, hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải ô tô khách, hiệp hội vận tải hàng hoá… “Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định đối tượng được lấy ý kiến bao gồm Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và tất cả các hiệp hội vận tải nêu trên ở cấp tỉnh và cấp huyện các địa phương mà dự án đi qua” – VCCI đề xuất – “Hình thức tham vấn đối với các cơ quan, tổ chức trên là qua công văn, các cơ quan, tổ chức này có 20 ngày làm việc để trả lời”.
Đối với người dân địa phương, hình thức tham vấn bao gồm việc đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT và của UBND cấp tỉnh, thời gian đăng tải ít nhất 45 ngày. Ngoài ra có thể tổ chức thêm các hình thức lấy ý kiến khác thông qua họp báo, họp cộng đồng dân cư, thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Đồng thời, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời điểm tham vấn đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư là trước khi ký hợp đồng. Nhằm bảo đảm việc tham vấn trước, tránh xung đột giữa người dân và chủ đầu tư, gây rủi ro cho quá trình đầu tư dự án và ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Thông báo trước về việc thu giá dịch vụ: làm từ khi dự án được phê duyệt
Khoản 4 Điều 5 của Dự thảo quy định phải thông báo công khai về việc thu giá trước 5 ngày về thời điểm bắt đầu thu, địa điểm thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn giảm giá. Theo VCCI, quy định này chưa thực sự hợp lý vì việc chỉ thông báo trước 5 ngày là không đủ để các doanh nghiệp vận tải và người dân có ý kiến hoặc hoạch định kế hoạch di chuyển. Trong khi đó, các thông tin này đã có hoặc đã được dự kiến ngay từ khi phê duyệt dự án hoặc khi ký hợp đồng dự án.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị sửa đổi lại quy định về thông báo trước khi thu giá theo hướng, các thông tin về địa điểm trạm thu, mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu và đối tượng được miễn giảm giá và dự kiến thời điểm bắt đầu thu, dự kiến thời gian thu phải được thông báo rộng rãi trong thời hạn 15 ngày kể từ khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc ký hợp đồng dự án. Hình thức thông báo là trên website của Bộ GTVT hoặc của UBND cấp tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và của toàn quốc. Đồng thời, trước khi trạm thu giá đi vào hoạt động, phải thực hiện thông báo công khai liên tục ít nhất 5 ngày về thời điểm bắt đầu thu.
Công khai thông tin trong quá trình thu
Cũng tại khoản 4 Điều 5, Dự thảo quy định việc công khai thông tin trong quá trình thu giá được thực hiện trên hình thức biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại trạm thu giá. Các biển VMS thường chỉ phù hợp với những thông tin cần thông báo nhanh, có ý nghĩa sử dụng một lần và không cần tra cứu lại hoặc khi có thông báo thay đổi.
Trong khi đó, các thông tin về tên dự án, tổng mức đầu tư, tổng thời gian thu giá, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu luỹ kế,… là những thông tin được sử dụng để giám sát hoạt động của trạm, cần được lưu trữ và tra cứu lại nhiều lần. Những thông tin này đều được đơn vị thu giá báo cáo về Bộ GTVT. Hiện nay, Bộ GTVT đã có trang thông tin điện tử về các dự án PPP. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng các thông tin trên sẽ được báo cáo cho Bộ GTVT và Bộ có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của mình.
Trong thời gian vừa qua, một trong những vấn đề được Kiểm toán nhà nước chỉ ra tại các dự án đường bộ có thu giá là có sự chênh lệch tương đối lớn giữa lưu lượng xe thực tế so với lưu lượng xe dùng để tính toán hoặc báo cáo. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định việc công khai thông tin về lưu lượng xe dự tính và lưu lượng xe do đơn vị thu báo cáo, nhằm tăng tính công khai minh bạch và tạo điều kiện cho việc giám sát của người dân, chủ phương tiện.