Sáng 21/4, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Hội (4/4/1955 – 4/4/2022) và tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, từ khi thành lập, Hội đã lấy tôn chỉ, mục đích là đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quá trình phát triển, Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hội luôn tham gia tích cực trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội gắn với thể chế chính trị của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của đất nước.
Cũng theo ông Quyền, từ sau khi có Chỉ thị 56 đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội đã có sự phát triển vượt bậc. Trong đó, công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên được củng cố, kiện toàn và có bước phát triển mới; công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác tham gia cải cách tư pháp được thực hiện tích cực, có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội…
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác quán triệt, triển khai Chỉ thị 56 ở một số bộ, ngành, địa phương chưa sâu; công tác xây dựng, củng cố, phát triển Hội và công tác hội viên chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác của Hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trong giám sát, phản biện xã hội…
Trên cơ sở đó, Hội đề xuất Chủ tịch nước xem xét, có ý kiến với Bộ Chính trị về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 56, ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội trong giai đoạn mới; đề nghị Chủ tịch nước giao cho Hội tổ chức lấy ý kiến luật gia cả nước về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội cũng đề nghị Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với Hội tổ chức triển khai khảo sát ý kiến người dân đánh giá về hoạt động tư pháp đảm bảo khách quan, trung thực sau khi “Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” được Ban Bí thư phê duyệt; cho phép Hội tham gia tư vấn trong công tác đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân; tham gia giải quyết các tranh chấp pháp lý (ngoài cơ chế nhà nước), giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật…
Các ý kiến tại buổi làm việc đều nhất trí đánh giá cao những kết quả đạt được, những đóng góp trong quá trình thành lập, phát triển của Hội cũng như trong thực hiện Chỉ thị 56, thẳng thắn giải đáp những khó khăn, vướng mắc mà Hội nêu lên, đồng thời kiến nghị Hội tích cực tham gia vào các đề án do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...