Theo đó, tỉnh Kiên Giang trang bị 02 phương tiện xe vận chuyển chuyên dụng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc; Trang bị máy thở, trang phục chống dịch, khẩu trang, hóa chất lỏng, thuốc khử trùng nước; Trang bị cho 15 huyện, thành phố gồm 3.458kg Cloramin B và 3.500.000 viên Aquatabs (khử trùng); 600 bộ trang phục chống dịch, 3.000 găng tay tiệt trùng, 400 khẩu trang, 2.304 cục xà bông…Ngoài ra, Kiên Giang còn dự trữ khoảng 02 tấn hóa chất khử trùng được cấp trước đó cho huyện đảo Phú Quốc bị ngập vào tháng 8/2019 còn tồn đọng lại.
Để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, 27 đội thường trực cơ động phản ứng nhanh và tổ kiểm tra, giám sát. Tổ kiểm tra, giám sát do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình làm tổ trưởng cùng với các Sở, ngành tỉnh đã đi kiểm tra, giám sát tại huyện biên giới Giang Thành và TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Khu vực cách ly được trang bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. |
Bác sĩ Cao Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo phương án của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do virus Corona đưa ra, khi xảy ra dịch bệnh ở biên giới (Hà Tiên) thì đưa vào Trạm Y tế phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên), nếu bệnh nhân có chuyển biến nặng mới chuyển lên tuyến trên thành phố; còn vùng biên Giang Thành thì đưa vào Trạm Y tế xã Phú Lợi (huyện Giang Thành), nếu nặng hơn sẽ bố trí tại một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn…để điều trị (đều bố trí phòng cách ly).
Riêng các tuyến huyện còn lại, nếu có bệnh nhân bị bệnh dịch sẽ bố trí tại huyện, không được di chuyển xa và có nhiều người để tránh lây lan diện rộng, trừ trường hợp bệnh nặng mới chuyển tuyến trên.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đã bố trí phòng khám sàng lọc, sau khi nghi có dịch bệnh sẽ chuyển vào phòng cách ly .Theo BS,CK II Đỗ Thanh Bình - Phó Khoa nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: hiện nay, ngoài việc tầm soát, sàng lọc bệnh nhân nghi có dịch bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát trên loa cho bệnh nhân và thân nhận bệnh nhân biết về dịch bệnh và để phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông, ăn uống, vệ sinh sạch sẽ…
Bác sĩ Cao Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ trực tiếp tiếp bệnh nhân nếu có dịch bệnh xảy ra, hiện nay, tỉnh Kiên Giang còn bố trí tại Bệnh viện lao và phổi, Bệnh viện tâm thần. Theo dự báo nếu xảy ra dịch thì tỉnh Kiên Giang sẽ thành lập Bệnh viện dã chiến hoặc dùng tạm các trường học để tiếp nhận bệnh nhân để điều trị.
Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã cơ bản bố trí đầy đủ với 27 đội cơ động phản ứng nhanh, mỗi đội được bố trí một xe ô tô cứu thương và đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe, gồm máy thở, máy hút đàm, oxy, thuốc, dịch truyền, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử trùng, tiệt khuẩn… sẵn sàng điều trị các trường hợp bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra./.