Kiên Giang phấn đấu trở lại nhóm có thứ hạng khá của cả nước về Chỉ số PCI

Kiên Giang phấn đấu trở lại nhóm có thứ hạng khá của cả nước về Chỉ số PCI
(PLVN) - Năm 2023, Kiên Giang đề ra mục tiêu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phải tăng điểm, tăng hạng, đạt từ 67 điểm trở lên và trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Theo đó, Kiên Giang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp với quyết tâm cao nhất để tập trung giải quyết tốt 03 nhóm vấn đề: “Cải cách hành chính”, “Công khai minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình”.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Kiên Giang đạt 62,24 điểm, tăng 2,51 điểm so với năm 2021, được xếp thứ hạng 56/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 04 bậc so với năm 2021, thuộc hạng tương đối thấp). So với các tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang được xếp thứ hạng 11/13 tỉnh, thành (tăng 02 bậc so với năm 2021). Về Chỉ số xanh (PGI), năm 2022 Kiên Giang đạt tổng số 13,34 điểm, đứng hạng 57/63 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam) cho biết, dù đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng những tác động tiêu cực kinh tế - xã hội vẫn còn dai dẳng. Thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng tình trạng đơn hàng của doanh nghiệp vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, tình hình thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều biến động như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, sự sụp đổ của các tổ chức tài chính, lạm phát tăng cao… làm cho “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút dẫn đến yêu cầu đối với chính quyền địa phương có phần khắt khe hơn.

Kết quả PCI năm 2022 của Kiên Giang đã giữ vững xu hướng cải thiện và có sự đồng đều ở các chỉ số thành phần. Trong đó, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều nhận được những đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, trong giai đoạn mới với nhiều biến động cả trong và ngoài nước, cùng với sức chống chọi của doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long còn yếu thì sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền các cấp càng phải được chú trọng. Các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cần được thay đổi theo hướng thực chất, chú trọng chất lượng để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn sắp tới. Ngoài ra, cần làm rõ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cần sự quyết tâm, kiên trì trong trung và dài hạn để đạt được kết quả thực sự.

Để cải thiện môi trường kinh doanh tại Kiên Giang theo hướng bền vững, VCCI Việt Nam đề nghị địa phương cần lưu ý các điểm số giảm điểm mạnh trong năm qua như: Chi phí thời gian (-1,09 điểm), Chi phí không chính thức (-0,74 điểm), Đào tạo lao động ( -0,92) và hỗ trợ doanh nghiệp (-0,74). Đây là những chỉ số giảm điểm mạnh trong năm, ảnh hưởng đến điểm số chung PCI của tỉnh vì có trọng số cao.

Kiên Giang tăng cường thúc đẩy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của PCI đến doanh nghiệp, trong đó hiểu các chủ trương của tỉnh, kết quả thực hiện và tổ chức đối thoại doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tổ chức tập huấn, đào tạo về PCI để nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ, viên công chức, tạo nhận thức để cán bộ công chức thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cần được duy trì trong dài hạn, xem các hoạt động này là công việc thường niên. Cần phải kiên trì, quyết tâm để cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Thanh Nhàn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, trong thời gian tới, tỉnh tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân là trọng tâm.

Thực hiện tốt vai trò của Tổ Công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (Tổ 1602); Phát huy hoạt động của Tổ công tác của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời đề xuất, biểu dương những đơn vị làm tốt; chấn chỉnh những đơn vị chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ (Tổ 770).

Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, công khai kết quả xử lý sau đối thoại; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp theo từng lĩnh vực; theo địa bàn huyện, thành phố; theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Kiên Giang với VCCI Việt Nam; VCCI Cần Thơ và các tổ chức đánh giá để kịp thời nắm bắt, cập nhật những điểm mới, những điểm cần lưu ý của Chỉ số PCI, PGI để kịp thời tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo thực hiện.

Trung tâm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đối với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) để đánh giá thêm chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành trong thời gian tới.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cùng các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời tập trung triển khai thực hiện Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 và những năm tiếp theo.

Kiên Giang yêu cầu các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp tốt với các Sở, ban, ngành và địa phương tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Chỉ số PCI, PGI để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát, đánh giá.

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam)

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam)

Ngoài ra, Kiên Giang kiến nghị Liên Đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cần mở rộng quy mô khảo sát. Bên cạnh việc khảo sát theo quy trình, hằng năm VCCI và USAID cần tổ chức những cuộc khảo sát, làm việc công khai đối với chính quyền cấp tỉnh để nắm bắt về những vấn đề có liên quan đến nội dung khảo sát PCI.

Đề nghị nhóm nghiên cứu của VCCI hàng năm rà soát các chỉ số để hoàn thiện thêm. Trong quá trình rà soát, VCCI tham vấn, thảo luận với các chuyên gia, gửi khảo sát phương pháp đánh giá đến tất cả các tỉnh thành để xem có cách tiếp cận nào chính xác hơn, có chỉ số nào chưa nên đánh giá, đồng thời sớm công bố các chỉ số mới trước khi gửi phiếu khảo sát để các địa phương được tiếp cận, kịp thời chỉ đạo các các ngành và địa phương đề ra các giải pháp thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.