Theo Tổng KTNN, TS Hồ Đức Phớc, Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành
Hôm nay, 21/8, KTNN và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Nguồn lực quan trọng
Theo TS Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, xác định giá trị DN trong CPH là công việc hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian trong cả kế hoạch CPH, quyết định đến sự thành công khi chuyển DNNN sang công ty cổ phần. “Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đối tượng CPH là các Tập đoàn, Tổng công ty , DN có quy mô vốn lớn và đang được nhà nước giao quản lý, sử dụng nhiều diện tích đất càng đòi hỏi việc xác định giá trị DN phải được xác định chính xác, công khai minh bạch và rõ ràng…”- Thứ trưởng Hiếu lưu ý.
Quan trọng là vậy nhưng thưc tế triển khai cho thấy việc xác định giá trị DN trong CPH DNNN đang còn có những hạn chế, tồn tại. Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, tồn tại lớn nhất là môi trường pháp lý về xác định giá trị DN nói chung, xác định giá trị DN để CPH DNNN nói riêng còn chưa hoàn chỉnh. Trong các quy định hiện hành vẫn còn những vướng mắc chưa được hướng dẫn chi tiết như các vấn đề xử lý tài chính, đánh giá lại các thị trường các tài sản có trong DN, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất (đất thuê, giao), lợi thế kinh doanh, định lượng các quy định về khả năng sinh lời của DN…
Kiểm toán 7 doanh nghiệp, vốn nhà nước tăng thêm gần 21 nghìn tỷ đồng
Qua 15 năm sắp xếp, cơ cấu lại, đến nay số lượng DNNN giảm mạnh, từ hơn 6.000 năm 2001 còn 1.369 năm 2011 và đến hết năm 2016 chỉ còn khoảng 700. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây là kết quả ngoạn mục khi 88% số DNNN đã chuyển đổi hình thái tồn tại, không còn là DNNN, hoặc không còn tồn tại.
Tuy nhiên, đằng sau con số ngoạn mục đó, con số Tổng KTNN, TS Hồ Đức Phớc đưa ra đáng suy nghĩ. Ông Phớc cho biết, kết quả kiểm toán năm 2016 định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DN, KTNN đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ. KTNN cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất,…
“Tuy nhiên để nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức kiểm toán, cần làm rõ cách thức tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả kiểm toán cũng như sử dụng kết quả kiểm toán khi xác định giá trị DN trong quá trình CPH” - Tổng KTNN lưu ý.
Dẫn Luật KTNN năm 2015. trong đó quy định: “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, TS Hồ Đức Phớc khẳng định, với chức năng như vậy, KTNN có vai trò không thể thiếu trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình CPH DNNN, trong đó đặc biệt là việc xác nhận, kết luận về giá trị DN trước khi CPH một cách khách quan, minh bạch sẽ bảo đảm nguồn lực quốc gia không bị thất thoát cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
Ngoài ra, vai trò của KTNN còn được thể hiện tại Điều 27, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ và các Nghị định sửa đổi, bổ sung khác về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, KTNN xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị DN đối với các DN có quy mô vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác, các công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
“Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh tiến độ CPH, đặc biệt số các DN còn lại ở các giai đoạn này đa phần là các DN có quy mô về tài sản rất lớn, nguy cơ của việc thất thoát tiền và tài sản Nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở nên hiện hữu, để đảm bảo quá trình CPH DNNN được diễn ra một cách minh bạch, công bằng, tránh thất thoát nguồn lực nhà nước cần làm rõ vai trò của KTNN cũng như sử dụng kết quả của KTNN trong quá trình CPH…” - Tổng KTNN đề nghị.