Quản lý thuế: Chưa chặt chẽ?
Tại Hội thảo: “QLT và vai trò của KTNN” do KTNN và Hiệp hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức hôm qua (9/5), Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên đánh giá: “Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực thi pháp luật về thuế vẫn còn một số vấn đề tồn tại, số tiền thuế thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu là từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi…”.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV, ông Doãn Anh Thơ cho biết, hầu hết các cục thuế và chi cục thuế được KT đã sử dụng ứng dụng hỗ trợ thanh tra, kiểm tra để kết xuất kết quả phân tích rủi ro, làm cơ sở để lập kế hoạch kiểm tra. Tuy nhiên, các hồ sơ được kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế (CQT) có kết quả tăng thu, ấn định thuế thấp, hầu hết không thay đổi so với kết quả kê khai. Ngoài ra, số lượng DN được thanh tra, kiểm tra chiếm tỷ lệ rất thấp trên tổng số DN đang hoạt động.
Ví dụ, năm 2017, ngành thuế TP HCM thanh tra, kiểm tra 21.433 DN chiếm tỷ lệ 8,1%/tổng DN đang hoạt động. Số truy thu giảm khấu trừ, phạt là 4.713 tỷ đồng, bình quân 220 triệu đồng/DN. Đáng chú ý, nhiều trường hợp thanh tra, kiểm tra không có số liệu điều chỉnh. Tuy nhiên, qua KT hồ sơ đã kiểm tra thuế đã phát hiện nhiều trường hợp tăng thu. Cụ thể, đối chiếu thuế 144 DN được thanh tra, kiểm tra thuế, số tăng thu, giảm khấu trừ qua KT là 607 tỷ đồng, tức là bình quân 4,25 tỷ đồng/DN, cao hơn số CQT truy thu 1.927%.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, việc hàng năm CQT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra NNT, KTNN thực hiện KT tại các DN hay thông qua KT tại CQT đã truy thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế cũng đã phần nào minh chứng cho công tác QLT chưa chặt chẽ. ..
Kiểm toán bị “bó chân, bó tay”?
Theo Phó Tổng KTNN, kết quả KT cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình DN và các sắc thuế; công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của DN như: Áp dụng không đúng thuế suất thuế GTGT, kê khai ưu đãi
và miễn giảm thuế TNDN và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng. Ngoài ra, qua KT đã phát hiện một số bất cập, sai phạm về tuân thủ pháp luật thuế mang tính phổ biến, như một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ đúng pháp luật trong kê khai, nộp thuế; công tác điều hành, quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Nhà nước; nhiều đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh; chất lượng công tác thanh, kiểm tra còn vấn đề, còn bỏ sót một số sai phạm của DN trong kê khai doanh thu, chi phí, thuế GTGT đầu vào, áp dụng không đúng thuế suất thuế GTGT, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế TNDN không đúng quy định; công tác hoàn thuế, xoá nợ và miễn giảm thuế sai quy định; xác định số nợ đọng thuế chưa đầy đủ…
Đại diện KTNN thừa nhận, mặc dù kết quả KT công tác QLT của KTNN đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, đòi hỏi chất lượng hoạt động KT nói chung và KT công tác QLT nói riêng.
Hai bất cập lớn nhất được chỉ ra là KT viên tập trung chủ yếu vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của NNT để từ đó kiến nghị tăng thu ngân sách, trong khi đó, việc đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan quản lý thu chưa được quan tâm, chú trọng. KT viên chưa tập trung phân tích, đánh giá tồn tại, bất cập trong công tác quản lý thu thuế, nhất là việc ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến thuế và quản lý thu thuế của các bộ, ngành, địa phương; chưa phân tích, làm rõ được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý điều hành nên chất lượng các ý kiến tư vấn, kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý thu thuế chưa cao.
Mặt khác, phạm vi KT việc tuân thủ pháp luật thuế của NNT còn hạn chế khi KT chủ yếu thực hiện thông qua KT báo tài chính tại các DN nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai, quyết toán thuế của NNT tại đơn vị quản lý thu. Việc KT nghĩa vụ thuế tại các DN, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác được thực hiện thông qua hình thức đối chiếu nhưng do các vấn đề về cơ sở pháp lý, quy trình đối chiếu, công tác phối hợp nên quá trình KT còn có nhiều khó khăn.