Kiểm toán một số dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Doãn Anh Thơ cho biết, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 của KTNN bao gồm 129 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 Đoàn kiểm toán.
Đến ngày 31/8/2023, KTNN đã tổ chức xét duyệt 127 KHKT, triển khai 114 Đoàn kiểm toán, trong đó 93 Đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT) và đã phát hành chính thức 61 BCKT.
Tổng hợp sơ bộ, KTNN đã kiến nghị 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.
Quang cảnh phiên họp |
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 265 hồ sơ, BCKT và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội (QH), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Dự kiến, KTNN sẽ hoàn thành 100% KHKT năm 2023 theo đúng tiến độ đã đề ra.
Về KHKT năm 2024, ông Doãn Anh Thơ cho biết định hướng sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của QH về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với định hướng trên, dự kiến KHKT năm 2024 của KTNN bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, KTNN lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với báo cáo của KTNN về các kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm.
Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước (là 56,3%); sửa đổi, bổ sung ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị KTNN tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán; làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không có khả năng thực hiện các kiến nghị của KTNN để sớm có giải pháp khắc phục.
Về KHKT năm 2024, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2024 đã nêu trong báo cáo. Đề nghị KTNN bổ sung nguyên tắc tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu tại các Nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2024 cần tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.
Làm rõ trách nhiệm việc thực hiện kiến nghị kiểm toán
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác tổ chức điều hành của KTNN có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, giảm số lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. |
Theo Phó Chủ tịch QH, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV, KTNN đã đóng góp một cách tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC); tham gia rất tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao QH, các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH như tham gia tích cực vào giám sát tối cao về huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19; chính sách pháp luật y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị KTNN tiếp tục phát huy, trực tiếp đóng góp cho công tác giám sát của QH, qua đó ngày càng khẳng định được vai trò là một cơ quan kiểm toán về sử dụng tài sản, tài chính nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng chính sách pháp luật.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán nhiều việc còn chưa cao và đề nghị làm rõ chi tiết về việc thực hiện.
Có cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, theo quy định của Luật Kiểm toán thì kết luận và kiến nghị của Kiểm toán là có giá trị bắt buộc thi hành. Vì vậy, việc không thực hiện các kiến nghị kiểm toán là không thực hiện luật và cần phải làm rõ trách nhiệm.
“Chúng tôi đề nghị KTNN cung cấp đầy đủ những kiến nghị liên quan đến hệ thống pháp luật để Chính phủ tổng hợp vào và báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm nay”, ông Nguyễn Trường Giang nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị, thời gian tới, KTNN cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng 3 nội hàm chính “nhân lực, năng lực, hiệu quả” để đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Hoạt động kiểm toán phải góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách; PCTN,TC; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, cần tăng cường thực hiện kiểm soát quyền lực, PCTN,TC ngay trong công tác kiểm toán.
Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất” của KTNN, Chủ tịch QH đề nghị tiến hành hoạt động kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả.
Cùng với đó, cần đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực vì công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng lưu ý kiểm toán tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản.
Chủ tịch QH đề nghị, trong năm nay, cần tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm vì thực tế có tình trạng ban hành ra nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.