Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Kỳ 1: Khi quyền lực vượt khỏi “lồng” luật pháp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
(PLVN) -Được ví như “thanh bảo kiếm”, “lá chắn thép” vững chắc để duy trì kỷ luật, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, nhưng nhiều cán bộ trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”

Trong thời gian qua, các cơ quan nội chính đã tích cực tham mưu có hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; đồng thời là lực lượng chủ công, tiên phong trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính - vốn được coi là cần phải trong sạch, liêm chính nhất.

Thực tế cho thấy, các hành vi như: dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt vi phạm, làm sai lệch hồ sơ... đã được phát hiện và xử lý. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án trong Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2023), Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù ngành Tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của TANDTC, từ năm 2021 đến nay, có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Trần Vương)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

(Ảnh: Trần Vương)

“Công tác PCTN,TC của Đảng ta hiện nay “không có vùng cấm, không ngoại lệ”; PCTN,TC trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực nhạy cảm. Những cơ quan có chức năng PCTN,TC chuyên trừng trị, xem xét kỷ luật đối với những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực mà chính họ lại tham nhũng, tiêu cực, không gương mẫu thì người dân còn tin vào ai nữa?

Bởi vậy, phải kiểm soát quyền lực và PCTN,TC từ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cho tới cán bộ, nhân viên các cơ quan này để người dân cảm thấy an tâm, tin tưởng; để các cán bộ thực thi, bảo vệ pháp luật thực sự liêm khiết, trong sạch” - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Báo cáo sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) cấp tỉnh cũng dẫn ra con số đáng suy ngẫm: sau một năm hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Đặc biệt, đã xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTN,TC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Có thể nói, trước môi trường nhiều cám dỗ, tệ nạn tiêu cực, tham nhũng đang len lỏi vào hầu như tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương; nhiều cán bộ “khoác lên mình chiếc áo nhân danh công lý” để chống tham nhũng, tiêu cực đã không tránh khỏi sự mua chuộc, thao túng và rồi gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”.

Không khoan nhượng, bất kể người đó là ai

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN. “Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN” - Tổng Bí thư nêu rõ.

Người đứng đầu Đảng ta cũng nhiều lần nhắc nhở các cơ quan chức năng chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan PCTN,TC, trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC (tháng 5/2023), thông tin từ Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác PCTN,TC trong các cơ quan có chức năng PCTN,TC tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm trong lực lượng này. Điển hình như khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang; 2 cán bộ TAND và 1 cán bộ VKSND; 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương; xử lý kỷ luật 12 cán bộ là Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Trưởng phòng, Trưởng Công an một số huyện, thành phố của tỉnh An Giang...

Mới đây, ngày 29/6/2023, Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tuyên phạt nhóm cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển hơn 75 năm tù vì tham ô 50 tỷ đồng. Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cùng tội danh trên, Tòa tuyên các bị cáo: Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 15 năm 6 tháng tù; Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 15 năm tù...

Hơn 200 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTN,TC bị xử lý hình sự

Ngày 16/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC. Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý hơn 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan PCTN,TC có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực; trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTN,TC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

Trong vụ án này, các bị cáo đều từng là Tư lệnh, Chính ủy, Tham mưu trưởng... của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, nhưng họ đã không làm đúng trọng trách mà Đảng, nhân dân, Quân đội tin tưởng giao phó; trái lại, họ lạm quyền, câu kết với nhau, lợi dụng sơ hở của chính sách, pháp luật để tham ô, tham nhũng, trục lợi cho cá nhân. “Hành vi tham ô của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Quân đội nhân dân. Do đó, cần xử phạt nghiêm khắc” - Hội đồng xét xử nhận định.

Trước đó, vào năm 2021, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên án 4 cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh (cựu Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng) bị tuyên mức án cao nhất là 15 năm tù. Quá trình điều tra cho biết, các bị cáo đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính của đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư từ hoạt động thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) 2,057 tỉ đồng, trong đó riêng bị cáo Kim Anh chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng.

Gần 6 năm trước, liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, nhiều tướng Công an đã bị xử lý hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi thành công vụ”. Với sự “bảo kê”, tiếp tay của Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong thời gian ngắn, đường dây đánh bạc qua mạng internet đã thu lợi bất chính gần 10.000 tỉ đồng. Với những hành vi nguy hiểm trên, ông Phan Văn Vĩnh đã bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 9 năm tù; ông Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù.

Với cương vị và trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, những cán bộ của các đơn vị, cơ quan bảo vệ pháp luật đã không “phụng công thủ pháp” mà lại “chà đạp” lên đạo lý, công lý và niềm tin của nhân dân. Điều này gióng lên hồi chuông báo động cần phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực, xử lý nghiêm minh trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đồng thời phải nghiêm túc nhìn nhận lại khâu giám sát và lựa chọn cán bộ.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...