Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2018, Bộ đã trả lời, giải đáp làm rõ 280 kiến nghị, phản ánh vướng mắc của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; trả lời trên 83 kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Quý I/2019, Bộ Xây dựng đã nhận được 128 phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị các đơn vị xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý đã để xảy ra các sai phạm. Bên cạnh các yêu cầu xử lý hành chính, Thanh tra Bộ đã yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền hơn 12,5 tỷ đồng...
Sau khi chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện PCTN, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng đề nghị sớm nghiên cứu và triển khai xây dựng đề án về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục bổ sung các quy định cụ thể và khả thi để người dân tích cực tham gia phát hiện, tố cáo tham nhũng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và thực hiện Chính phủ điện tử...
Đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, ông Phan Đình Trạc cho rằng phải tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để PCTN, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” nhất là khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Phát triển đô thị, Luật Kiến trúc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Phấn đấu sớm hoàn thành việc triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện định mức, giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách.
Lưu ý Bộ Xây dựng cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh đến việc tập trung kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều thông tin, dư luận và dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, như đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng...
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngay trong quá trình thanh tra, khắc phục tình trạng phát hiện, kết luận sai phạm nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra ít. Tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ.
Trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng, Trưởng ban Nội chính TƯ đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ công tác giám định phục vụ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, kết luận sai lệch trong công tác giám định...