Số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10.2010 được Tổng cục Thống kê chính thức công bố đã tăng tới 1,05% so với tháng trước. So với tháng 12.2009, CPI 10 tháng đã tăng 7,58%.
Với con số này, Việt Nam đã chính thức không đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm 2010 như nghị quyết của Quốc hội. Còn nếu so với mục tiêu được Chính phủ đặt ra từ tháng 4.2010: Sẽ kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8% - thì khả năng cũng rất khó đạt.
Với việc nhập siêu mạnh các mặt hàng xa xỉ sẽ khiến cho lượng lớn |
Giá tăng mạnh
Nếu tháng 9, khi CPI tăng tới 1,31% thì các nhà quản lý đổ lỗi do tại nhóm hàng hoá dịch vụ giáo dục tăng quá nóng bởi đầu năm học mới, học phí các trường tăng cao, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập nhiều... làm cho nhóm hàng hoá này tăng tới 12,02%, đã đẩy CPI của tháng 9 tăng vọt. Vậy năm học mới đã trôi qua cả tháng, nhưng số liệu thống kê cho thấy nhóm hàng hoá này vẫn tăng tới 3,9%. Nếu so với tháng 12.2009, mức tăng giá của nhóm hàng này đã tới 19,03%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng là nhóm tăng giá mạnh trong tháng - đạt mức tăng 1,32% (trong đó, lương thực là 1,89%, thực phẩm 1,22% và ăn uống ngoài gia đình 1,03%) so với tháng 9.2010. Tiếp đó, là nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,04%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,9%); hàng hóa và dịch vụ khác (0,7%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,48%)... Trong tháng 10, giá vàng tăng 7,87% so với tháng 9 và tăng tới 13,47% so với tháng 12.2009. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá vàng đã tăng tới 38,01%. Còn với USD, tháng 10 tuy chỉ tăng giá 0,6% so với tháng trước, nhưng đã tăng 3,52% so với tháng 12.2009 và tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2009. Với mức tăng CPI trong tháng 10 nêu trên, mọi dự định kiềm chế lạm phát của các cơ quan chức năng đã... “vỡ”.
“Cuộc đua” tăng giá chưa ngừng
Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 10 của Cục Quản lý giá cho thấy giá cả nhiều mặt hàng đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Tại miền Nam, giá lúa hè thu dao động ở mức 5-5,7 nghìn đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động trong khoảng 8,25-9 nghìn đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo 25% tấm giá khoảng 7,4-8,1 nghìn đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng thu mua để chuẩn bị cho những hợp đồng đã ký sẽ là nguyên nhân làm cho giá mặt hàng lương thực tăng cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn các tỉnh phía nam.
Nếu tháng 9, khi CPI tăng tới 1,31% thì các nhà quản lý đổ lỗi do tại nhóm |
Nhóm hàng thực phẩm cũng đã tăng mạnh. Riêng tại thị trường Hà Nội, giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà tăng khoảng 5-15 nghìn đồng/kg tại một số chợ cóc, chợ bán lẻ.
Theo thống kê giá cả thị trường, những ngày vừa qua giá gas đã tăng khoảng 13.000-16.000 đồng/bình do biến động giá cả từ thế giới và tỉ giá VND/USD. Mặt hàng sữa cũng đang thi nhau “đội giá”, dù trước đó nhiều hãng sữa đã cam kết không tăng giá. Nay với lý do biến động tỉ giá, những lời cam kết đã “chìm vào quên lãng”. Điều làm dư luận bức xúc là những ngày vừa qua, ngành điện cũng đã “lên tiếng” về việc muốn tăng giá, ngành than cũng đã có những “biện pháp kỹ thuật” để đẩy giá bán dẫn đến việc ngành sản xuất ximăng lấy đó làm lý do để giải thích việc sẽ có khả năng tăng giá. Sự biến động không ngừng của giá dầu thế giới cũng đã buộc các cơ quan kiểm soát giá phải “mở” quỹ bình ổn giá để bù lỗ nhằm giữ mức giá bán lẻ mặt hàng chiến lược này để kiềm chế sức tăng của CPI.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% đã “vỡ” kế hoạch – đó là thực tế đã rõ. Còn nếu để kiềm chế CPI ở mức 8% thì 2 tháng còn lại CPI mỗi tháng chỉ được phép tăng không quá 0,21%. Điều này là rất khó thực hiện trong bối cảnh mặt bằng giá cả hàng hoá tiêu dùng đang tăng mạnh hiện nay.
Theo Báo Lao Động