Sôi động và nhiều nhân tố mới
Tưởng như một năm nhiều khó khăn như năm qua sẽ kết thúc bằng sự trầm lắng, nhưng “làng” sân khấu TP HCM mùa đón Tết lại gây bất ngờ với số lượng vở nhiều, nội dung phong phú cùng sự tham gia của nhiều đơn vị. Gần 30 vở kịch được công chiếu trong dịp Tết này ở TP HCM, một con số bứt phá so với hơn 10 vở của Tết năm ngoái.
Dẫn đầu “làng” kịch về số lượng vở ra mắt vẫn là Idecaf với 7 vở kịch gồm nhiều chủ đề khác nhau. Đề tài được Idecaf đầu tư công phu là thể loại kịch cổ trang, lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian: “Tấm Cám đại chiến”, “Vàng ơi là vàng” (Nhà hát kịch Idecaf), “Đại hội yêu quái - 7 con yêu nhền nhện” (Nhà hát Thanh Niên). Cạnh đó, còn có các vở kịch đề tài xã hội hấp dẫn như “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Hòn đảo mộng mơ”...
Các sân khấu cũng “chạy đua” không kém với hàng loạt vở diễn hấp dẫn, có sân khấu thực hiện đến 4, 5 vở, từ hình sự đến xã hội, từ cổ trang đến hài, kinh dị. Có thể kể đến “Lẹ lẹ trễ phà”, “Thiên thần kinh”, “Truy lùng thái tử”, “Lụa máu” (Sân khấu Trương Hùng Minh), “Ngũ quý tương phùng”, “Nội tình của ngoại tình” (Sân khấu kịch Thiên Đăng), “Hậu cung ngoại truyện”, “Ai kế tiếp?” (Sân khấu Hồng Vân), “Cuộc chiến mentor” (Nhà hát Thanh niên), “Mỹ vị nam vương”, “Bóng đàn ông” (Thế Giới Trẻ), “Xuân... dữ chưa?” (Sân khấu truyền thông Khang).
Năm nay, các vở diễn được đánh giá dàn dựng công phu, nhiều yếu tố bất ngờ. Như Sân khấu Hồng Vân có vở “Tình sử Thăng Long” diễn ra mùng 6, mùng 7 tại Nhà hát Bến Thành là một trong những vở diễn quy mô được kì vọng của kịch Tết năm nay. Sân khấu Hoàng Thái Thanh, sau một thời gian vắng bóng, nay trở lại với hai vở “Lạc ở đáy sông” và “Lồng sắt” đều được giới chuyên môn đánh giá cao vì hướng tiếp cận mới lạ.
Một điểm nhấn cho kịch Tết năm nay là sự góp mặt của Sân khấu Xóm Kịch do vợ chồng NSƯT Vũ Xuân Trang - nghệ sĩ Hoàng Thy xây dựng. Xóm Kịch không chỉ là một sân khấu, mà còn được coi là một điểm để thể nghiệm, để phát huy tài năng cho những người yêu mến kịch. Sau một số vở kịch chất lượng, Tết năm nay, Xóm Kịch cho ra mắt vở kịch kinh dị “Khúc dạ tâm” với thiết kế sang trọng và cách thể nghiệm độc đáo.
“Làng” kịch TP HCM từng có thời gian khá eo sèo, các sân khấu dần giảm vở, chuyển từ diễn theo tuần sang theo mùa khiến nhiều khán giả lo lắng. Tuy nhiên, sân khấu mùa Tết lại khiến khán giả bất ngờ vì sự “trở mình”. Lịch diễn kịch Tết năm nay được thông báo từ rất sớm. Trong đó, hầu hết lịch diễn tại các sân khấu đều kín các ngày, từ mùng 1 đến mùng 9 và mỗi ngày từ 2 suất diễn, thậm chí lên đến 3 suất diễn/ngày như các sân khấu Hồng Vân, Thế giới trẻ, Nhà hát Thanh niên...
Kịch thiếu nhi thêm nhiều lựa chọn
Năm nay, kịch thiếu nhi cũng được các sân khấu đầu tư mạnh, cho ra mắt nhiều vở với nội dung phong phú, hấp dẫn. Ngoài ra, còn có nhiều vở diễn cũ “kinh điển” tái xuất hiện. Như vở “Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê” trong chương trình “Chuyện thần tiên” của Idecaf vốn thu hút nhiều em nhỏ một thời, nay đã trở lại với thiếu nhi sau 14 năm ngưng diễn. Vở diễn kéo dài từ trước Tết cho đến mùng 9 Tết.
Sân khấu 5B, ngoài những vở kịch thiếu nhi cũ từng được yêu thích như “Đại náo Long cung”, “Bộ lạc nanh trắng”, năm nay đầu tư xây dựng vở mới chất lượng như “Thế giới đồ chơi và câu chuyện Chú bé rồng” hứa hẹn đem đến một thế giới đẹp đẽ, kì ảo cho trẻ thơ.
Năm nay, sân khấu kịch Quốc Thảo cũng tham gia mảng kịch thiếu nhi mùa Tết khi xây dựng vở “Vùng đất diệu kỳ”.
Ngoài các sân khấu chuyên kịch người lớn làm thêm kịch thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu mùa Tết, năm nay, một tin vui cho các em nhỏ TP HCM là sự ra đời của một sân khấu chuyên biệt cho thiếu nhi, sân khấu kịch Ban Mai tọa lạc tại sân khấu Hòa Bình C30 (141 Bắc Hải, phường 14, quận 10, TP HCM). Điểm đặc biệt là sân khấu Ban Mai không chỉ chuyên diễn kịch thiếu nhi mà sẽ chú trọng khai thác chất liệu từ văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Các vở kịch của sân khấu này sẽ hướng đến sự kết nối gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đồng thời lồng ghép những bài học mang tính giáo dục nhẹ nhàng và sâu sắc cho các em nhỏ. “Rago - Hành trình đầu tiên” sẽ là vở diễn “mở hàng” của sân khấu, ra mắt các em nhỏ TP HCM vào Tết Nguyên Đán.
Đi xem kịch Tết vốn là thói quen của người dân TP HCM từ nhiều năm nay. Việc các sân khấu nỗ lực dàn dựng vở diễn, tăng suất diễn sẽ giúp cho “làng” kịch Tết năm nay sôi động, phong phú hơn, giúp người dân có thêm những món ăn tinh thần bổ ích, ý nghĩa trong dịp đón xuân về. Và người yêu sân khấu lại có thêm niềm tin để kì vọng một năm mới nhiều khởi sắc, bứt phá cho ngành sân khấu nước nhà.