Theo ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, trong ngày 17/10 tiếp tục mưa, lũ trên diện rộng, các lực lượng cứu hộ tạm dừng công tác san, gạt đường vào thủy điện Rào Trăng 3.
“Phương án tìm kiếm ngày 18/10, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ san, gạt thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm số công nhân mất tích. Theo thông tin ban đầu tại Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra hai sự cố sạt lở - một hộ gia đinh 6 người bị sập và Đoàn kinh tế 337, Quân khu 4. Quảng Trị đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch tỉnh đang tiếp cận khu vực bị sạt lở", ông Hiệp thông tin.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết, tuyến miền núi ở Quảng Trị đang rất nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng ở Hướng Hóa. "Vụ việc xảy ra vào đêm hôm qua vô cùng nghiêm trọng, sau khi có thông tin, 3 giờ sáng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều hơn 100 cán bộ, chiến sỹ cơ động vào địa bàn để phối hợp ứng cứu. Đến 7 giờ sáng đã có mặt xảy ra vụ sạt lở", ông Hưng cho biết.
Nhận định tình hình mưa lũ, ông Hiệp cho biết, lũ đã vượt lịch sử và mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt mưa lũ, sạt lở tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và khó lường. Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4, mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Hiện trường vụ sạt lở ở Đoàn kinh tế 337, Quân khu 4. |
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, yêu cầu các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện Điện của thường trực Ban Bí thư đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.
Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương và phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.