Kịch bản y tế nào cho học sinh đến trường “mùa Covid”?

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh tại trường. (Ảnh minh họa).
Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh tại trường. (Ảnh minh họa).
(PLVN) - Dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt hơn, hiện nay 61/63 tỉnh thành đã quyết định cho học sinh trở lại trường (từ ngày 1/3 và 2/3) sau kỳ nghỉ Tết dài. Để học sinh đến trường an toàn, nhà trường và phụ huynh đã chuẩn bị nhiều phương án phòng, chống dịch cho con em mình.

An toàn trường học

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến 16h ngày 28/2, toàn bộ các trường học trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành việc vệ sinh môi trường, khử trùng trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồng thời hoàn thiện các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học từ hôm nay 2/3/2021.

Tại địa bàn quận Tây Hồ, theo tìm hiểu của phóng viên, chiều 28/2, các trường trên địa bàn quận đã hoàn thành vệ sinh, khử khuẩn và bảo đảm đầy đủ các điều kiện cần thiết để đón học sinh trở lại trường học an toàn.

Tại một số quận, huyện khác như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Ba Đình... cũng đã có những chuẩn bị kỹ các điều kiện đảm bảo an toàn, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Tùy theo điều kiện cụ thể, có trường thực hiện phun khử trùng, có trường làm vệ sinh lau chùi toàn bộ các bề mặt, cùng với rà soát trang thiết bị, vật tư y tế như thuốc, khẩu trang, dụng cụ đo thân nhiệt, nước sát khuẩn tay...

Để học sinh đến trường an toàn mùa dịch, các trường học đã thông tin tới phụ huynh học sinh về kế hoạch học tập và các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh. Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh theo dõi tình hình sức khỏe, đo thân nhiệt cho học sinh trước khi đến trường; nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì học sinh nghỉ ở nhà, đồng thời liên hệ với cơ quan y tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường thực hiện việc đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trước khi vào trường và lớp học; trước khi học sinh đến trường, gia đình cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên; còn cán bộ, giáo viên, nhân viên tự đo thân nhiệt trước khi đến trường. 

Nếu học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà; thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời liên hệ với cơ sở y tế. Học sinh đang trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế không được đến trường. Các nhà trường cũng cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với mọi diễn biến của dịch, tập huấn cho giáo viên về quy trình xử lý tình huống khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở tại trường; chuẩn bị phòng cách ly và khẩu trang y tế đúng quy định.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 1/3 có khoảng 1,7 triệu học sinh, sinh viên quay trở lại trường học. Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả học sinh, phụ huynh, giáo viên… khi đến trường phải đeo khẩu trang để hạn chế nguy cơ lây truyền Covid-19.

Cụ thể, đối với trường mầm non, trường mẫu giáo thì người đưa đón trẻ (cha, mẹ, người giám hộ) phải đeo khẩu trang cho mình và cho trẻ khi đưa đón trẻ đến trường. Tại trường THCS, THPT, cơ sở giáo dục tập trung: Học sinh, sinh viên, học viên phải đeo khẩu trang, khi đến trường, khi ra về và khi tiếp xúc với khách đến thăm, làm việc.

Giáo viên, người lao động tại trường phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Hàng ngày bộ phận y tế, bộ phận phục vụ phải vệ sinh toàn trường bằng dung dịch sát khuẩn. 

Phụ huynh phối hợp cùng nhà trường phòng dịch 

Chuẩn bị cho con hành trang đến trường sau kì nghỉ Tết dài, chị Lan Phương  ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biế, sau khi ăn sáng, vệ sinh, chị sẽ kiểm tra nhiệt độ cơ thể của con, cùng con chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn để mang theo đến trường.

“Chúng tôi luôn tin tưởng vào trách nhiệm cũng như công tác phòng dịch của các nhà trường. Tuy nhiên, các con sẽ được bảo vệ an toàn hơn nếu có sự chung tay góp sức và chia sẻ của các bậc phụ huynh”, chị Lan Phương chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, sau kỳ nghỉ dài, nhìn chung, trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập, vui chơi, giao lưu cùng bạn bè. Tuy nhiên, có một số em tỏ ra hụt hẫng sau kỳ nghỉ Tết. Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Trò chuyện với trẻ về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt, sắp xếp sách vở, góc học tập, những dự định kế hoạch học tập sẽ diễn ra như thế nào. 

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch, phụ huynh cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể.

Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang. Việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong giờ ra chơi, cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và chủ động cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có các biểu hiện bệnh đường hô hấp.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp phòng dịch bệnh tốt, đó là tăng cường thể lực, sức đề kháng để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh. Để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein, vitamin.

Tăng các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh. 

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trước khi cho học sinh trở lại trường, các nhà trường phải thực hiện việc phun khử khuẩn trường học, sát khuẩn bàn ghế, dụng cụ dạy học, sát khuẩn ô tô đưa đón học sinh, bố trí chậu rửa, xà phòng, nước sát khuẩn.

Các trường phải phổ biến cho cha mẹ học sinh để hợp tác trong việc khai báo y tế, sàng lọc những trường hợp có liên quan tới vùng dịch hoặc người bị nhiễm dịch, kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi đến trường, chuẩn bị bình uống nước cá nhân để học sinh không dùng chung…

Trước khi đón học sinh trở lại, các trường học đều đã thực hiện tổng vệ sinh, tiến hành phun thuốc khử khuẩn, bảo đảm các điều kiện phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 trong học đường. Đồng thời, tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh về các giải pháp phòng chống dịch cũng như kế hoạch dạy học của nhà trường... 

Gia Lâm

Đọc thêm

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.

Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học

Đại diện Lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An ký cam kết hưởng ứng Cuộc Vận động.
(PLVN) - Ngành Giáo dục Nghệ An vừa tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”. Sự kiện nhằm giúp các em học sinh có thể tập trung rèn luyện học tập, cũng như tránh xa những cám dỗ từ mạng xã hội thông qua việc dùng điện thoại.