Kẻ mừng, người lo
Du lịch Hà Nội chứng kiến bức tranh đối lập giữa 2 vùng nội đô và ngoại ô, khi các cơ sở được phép đón khách trở lại. Ngay khi thành phố Hà Nội cho phép một số hoạt động, dịch vụ hoạt động trở lại, trong đó có hoạt động lưu trú nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch, hoạt động không quá 50% công suất, nhiều khu homestay, nhà nghỉ tư nhân ở khu vực ngoại thành kín khách đặt phòng vào cuối tuần. Nhiều cơ sở ngoại ô ghi nhận sự tăng trưởng về lượng khách đặt phòng.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hằng (phường Phúc La, quận Hà Đông), chị đã liên hệ với nhiều homestay theo lời giới thiệu của bạn bè và từ những nhóm cho thuê homestay trên mạng xã hội, nhưng nhiều nơi đã thông báo hết chỗ từ hơn 1 tuần trước, thậm chí có nơi đã kín khách đặt trong 2 tuần tiếp theo.
Trên những nhóm cho thuê homestay ở khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây..., nhiều lời giới thiệu dành cho gia đình với những mức giá khác nhau, thường dao động từ 3 đến 6 triệu đồng (phụ thuộc vào diện tích và ngày nghỉ trong tuần).
Sau thời gian dài giãn cách, người Hà Nội sẽ có xu hướng tìm đến không gian thiên nhiên thoáng đãng nhưng vẫn đầy đủ dịch vụ tiện ích khép kín để bảo đảm phòng, chống dịch. Vì thế, khu vực ngoại thành hoặc gần Hà Nội sẽ được du khách lựa chọn nhiều.
Trong khu vực nội đô, một số bảo tàng tại Hà Nội cũng bắt đầu mở cửa đón khách, nối lại chuỗi hoạt động du lịch. Mới đây, ngày 19/10, Bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức mở cửa cho khách tham quan trở lại vào các ngày trong tuần (trừ thứ hai và thứ sáu). Du khách đến bảo tàng khuyến nghị thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.
Ngược lại, cơ sở kinh doanh lại ảm đạm hơn khi nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên những tuyến phố cổ như Hàng Mã, Hàng Đường, Bát Đàn… trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hoặc nếu hoạt động cũng chỉ cầm chừng.
Theo nhiều chủ cơ sở khách sạn, họ còn ngần ngại với việc mở cửa bởi những thách thức đặt ra hiện nay là rất lớn. Quy định phòng mở cửa hay giãn cách thiếu đồng nhất gây ra những khó khăn nhất định khi mở cửa du lịch. Hiện nay, khách ngoại tỉnh đến Hà Nội còn thấp, bởi mỗi địa phương đòi hỏi các yêu cầu khác nhau về phòng chống dịch bệnh. Hay như dịch vụ ăn uống, chỗ này được mở, chỗ kia không được mở… dẫn đến khách hàng không có quyền tự do di chuyển trong kỳ nghỉ của mình.
Thêm nữa, theo bà Trần Thị Hương, chủ một khách sạn trên địa bàn thành phố, rất nhiều quy định về phòng chống dịch như tiêm vaccine, xét nghiệm… cho nhân viên theo định kỳ nên ngoài kinh phí sửa sang lại phòng ốc đây cũng là điều doanh nghiệp phải tính đến trong bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay.
Một thách thức khác đặt ra cho ngành du lịch Hà Nội hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực. Theo thông tin từ đại diện khu nghỉ dưỡng Paragon Resort, đơn vị này hiện đang thiếu nhân viên phục vụ và chỉ xem xét việc mở cửa cho đến khi bảo đảm các điều kiện phục vụ khách.
Nỗ lực vượt khó
Vấn đề an toàn cho du khách, an toàn cho người dân tại chỗ là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch Thủ đô trở lại. Theo ông Trần Trung Hiếu, đại diện khu du lịch Làng Mít: “Chúng tôi chỉ vận hành 50% công suất như quy định, tương đương với 15 phòng. Trước đó, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt phòng của du khách, vì thế hy vọng, cuối tuần này có thể đón được khách đến nghỉ dưỡng. Hiện tại, tất cả hệ thống dịch vụ của Làng Mít được kích hoạt, bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch”.
Xây dựng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân là cách mà nhiều doanh nghiệp nỗ lực để “vượt khó” hậu đại dịch. Theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, từ sau các đợt dịch Covid-19 lần 2, lần 3, Flamingo Redtours đã xây dựng sản phẩm du lịch tại chỗ, kết hợp với khách sạn 5 sao tạo dòng sản phẩm phục vụ khách tham quan, giới thiệu lịch sử khu phố Tây, Nhà hát Lớn, khách sạn Sofitel Legend Metropole… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn. Khách không thể đi xa, đã có những khu nghỉ dưỡng tại chỗ như nghỉ dưỡng, tham quan khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake, thưởng lãm cảnh quan hồ Tây.
Trong khi đó, Công ty Lữ hành Hanoitourist giới thiệu đến khách sản phẩm du lịch của Hà Nội, đáng chú ý là tới đây sẽ ra mắt tour khám phá kiến trúc Đông Dương dành cho những du khách yêu thích các công trình kiến trúc Pháp cổ tại khu vực phố cổ Hà Nội, với lịch trình đi từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Nhà hát Lớn Hà Nội - Di tích lịch sử cách mạng Bắc Bộ phủ.
Phương án bắt đầu du lịch nội đô bằng các phương tiện đường bộ, xe riêng như loại hình du lịch caravan bằng xe tự lái cũng được khuyến khích phát triển. Những nhóm du lịch nhỏ sẽ tạo cảm giác an toàn hơn cho cả khách du lịch và các điểm đến. Hiện nay, bên cạnh những tour dành cho Hà Nội, các đơn vị lữ hành tiếp tục duy trì các sản phẩm caravan đã được thực hiện từ năm 2020, đón khách từ Hà Nội đến khám phá Tây Bắc, Đền Hùng, Nam Định và một số sản phẩm caravan mới khám phá Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Bình Liêu, Quang Hanh (Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (Hà Giang)...