Kì thi THPT quốc gia 2019: Thầy cô sẽ không chấm thi học sinh tỉnh nhà

Ông Mai Văn  Trinh.
Ông Mai Văn Trinh.
(PLO) - Tại buổi trao đổi với báo chí vừa qua, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã thông tin nhiều vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với các điều chỉnh và giải pháp… Trong đó, ông Mai Văn Trinh  khẳng định: Năm 2019 và 2020 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên cơ sở ổn định như năm qua, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật. 

Chưa thể bỏ kì thi tốt nghiệp THPT

Những năm vừa qua, các trường đại học (ĐH) đều dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Chính vì vậy nên kỳ thi được mặc nhiên công nhận là 1 kỳ thi 2 mục đích. Cũng vì đó việc ra đề đã trở thành áp lực đối với Bộ GD&ĐT, dẫn đến chuyện năm thì “mưa” điểm 10 (năm 2017), năm “bói” không ra điểm 10 (năm 2018). Vậy kì thi năm 2019 sẽ có những thay đổi gì, thưa ông?

Bản chất của kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trên cơ sở Luật Giáo dục (GD) và Luật Giáo dục đại học (GDĐH), đặc biệt là sự hướng dẫn của Nghị quyết 29 và 44 của Chính phủ.  Theo đó, chúng ta đổi mới phương thức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém, có độ tin cậy cao và tiến tới tổ chức kỳ thi chung.

Như vậy, kết thúc 12 năm học ở bậc phổ thông, chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm đo lường, đánh giá được kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh. Đó là mục đích của kỳ thi THPT quốc gia. Cũng chính vì thế, trong thiết kế của đề thi THPT quốc gia phần lớn các câu hỏi nằm ở học vấn phổ thông (chiếm 60-70%).

Đối với các trường ĐH, kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một trong các căn cứ được sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật GDĐH.  Do đó, mức độ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu của từng trường.

Tôi tin rằng, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia không đáp ứng nhu cầu của các trường ĐH thì họ sẽ không lấy kết quả này để làm căn cứ tuyển sinh. Chắc chắn không thể có một quy định nào buộc các trường phải dùng kết quả này. Năm 2019, kỳ thi này tiếp tục tổ chức ở địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường vai trò của các trường ĐH trong các khâu, kể cả khâu coi thi. Trong đó, có thể các trường ĐH sẽ không tham gia coi thi trên địa bàn trường đóng. 

Hiện nay, dư luận cho rằng, tiêu cực kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra là do chúng ta chưa xác định đúng mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, cao đẳng? Có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm đều đạt gần 100%. Bên cạnh đó còn có băn khoăn về việc kết hợp điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT.

Như tôi đã nói trên, tổ chức 1 kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT là quy định trong Luật GD hiện hành. Nói riêng về mục đích của xét tốt nghiệp THPT, việc này khác với tuyển sinh, không phải là kỳ thi cạnh tranh mà quan trọng là đánh giá kết quả học của học sinh sau 12 năm so với mục đích, yêu cầu đặt ra của quá trình GD ở bậc phổ thông như thế nào, đó chính là mục đích của việc thi, xét tốt nghiệp THPT.

Do đó, không chỉ đơn giản là bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, mà quan trọng là chất lượng tốt nghiệp như thế nào, giữa các vùng, miền ra sao, giữa các môn như thế nào? Phải thông qua kỳ thi đó để có điều chỉnh quá trình dạy học, làm sao chất lượng tốt nghiệp ngày một tăng lên.

Kì thi THPT quốc gia 2019 có kiểm soát được tiêu cực? (Ảnh minh họa)
Kì thi THPT quốc gia 2019 có kiểm soát được tiêu cực?  (Ảnh minh họa)

Còn việc sử dụng cả kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT, đó cũng là tiếp cận quốc tế, để thấy rằng nỗ lực của các em là một quá trình liên tục, ví như cuộc chạy bắt đầu từ vạch xuất phát đến khi về đích; đồng thời ngừa sự rủi ro xảy ra đối với học sinh trong những ngày thi. Tuy nhiên, từ thực tiễn và tiếp thu ý kiến dư luận, chúng tôi đang cân nhắc việc sử dụng kết quả học tập của học sinh trong lớp 12 ở mức độ thế nào là phù hợp.

Một số trường ĐH băn khoăn việc coi mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT sẽ gây khó khăn cho họ khi tuyển sinh, vì lo ngại kết quả không đáng tin cậy?

- Đề thi THPT quốc gia thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông sau 12 năm học tập và tất nhiên có độ phân hóa. Do đó, phần lớn là các câu hỏi ở mức độ cơ bản, có một số câu hỏi mức độ khó dần lên để phân hóa, nhưng nằm trong mức độ học vấn phổ thông. Đây không phải kỳ thi chọn học sinh giỏi, không phải kỳ thi ĐH, CĐ để ra đề thi đánh đố học sinh, nhưng kỳ thi vẫn bảo đảm độ tin cậy, phân hóa và đánh giá đúng kết quả học tập, thì khi đó các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng để tuyển sinh.

Theo Luật GDĐH, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh; tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, với uy tín, đẳng cấp của mình, trường có thể sử dụng các phương thức khác, như: Kiểm tra năng lực, sơ tuyển... Khi nào kỳ thi THPT quốc gia còn bảo đảm độ tin cậy thì trường ĐH còn sử dụng để tuyển sinh, chứ không thể ép các trường bằng biện pháp hành chính.

Và trên thực tế, kỳ thi đã đáp ứng được về căn bản yêu cầu của các trường nên các trường đã sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Thực tế, kết quả tuyển sinh những năm qua đã minh chứng cho hiệu quả của phương thức tuyển sinh này đối với không chỉ các trường mà cả đối với học sinh và xã hội.

Có kiểm soát được tiêu cực?

Dư luận cho rằng, năm 2019, nhiều trường ĐH tự xây dựng phương án tuyển sinh và tổ chức thi tại trường. Và nhiều ý kiến cũng lo ngại nếu để các trường tự chủ tuyển sinh thi riêng sẽ càng nảy sinh tiêu cực như luyện thi, chạy điểm… Thực hư ra sao, thưa ông?

- Việc các trường ĐH xây dựng đề án tuyển sinh không mới, đã có từ năm 2014 đến nay. Vì tính chất của kỳ thi THPT quốc gia, kết quả còn bảo đảm độ phân hóa và sự tin cậy nên hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau, và đây không phải là cách thức duy nhất. Các trường cũng đã sử dụng phối hợp các phương thức khác được chỉ rõ trong đề án tuyển sinh của mình.

Xin khẳng định, năm 2019 và 2020 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên cơ sở ổn định như năm qua, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi tốt hơn, tin cậy hơn. Những điều chỉnh chủ yếu liên quan đến người tham gia tổ chức kỳ thi, còn với học sinh thì không thay đổi gì đáng kể nên các em yên tâm học tập.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh có định hướng công tác dạy học cũng như tổ chức ôn tập để giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, lấy kết quả để xét, công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức chấm thi theo cụm với nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm thi cho học sinh tỉnh mình. Đối với bài thi trắc nghiệm, Bộ sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường tính bảo mật, mã hoá dữ liệu chấm thi.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, trên cơ sở đó xây dựng đề thi THPT quốc gia phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh. Ngoài ra, công nghệ thi, đặc biệt là phần mềm chấm thi, sẽ được hoàn thiện theo hướng tăng cường bảo mật, phòng ngừa sai phạm; nếu có sai phạm thì dễ phát hiện, xử lý để kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch.

Việc lựa chọn nhân sự tham gia các khâu kỳ thi năm tới cũng sẽ rất được coi trọng. Đặc biệt, chỉ chọn lựa người am hiểu công việc, có năng lực, trách nhiệm; tập huấn kỹ càng cho những người tham gia chấm thi; công tác thanh tra, giám sát phải đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Không ít người lo lắng, đến năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia nếu vẫn phải chịu áp lực “2 trong 1”  thì có kiểm soát được tiêu cực phát sinh hay không? Có cách gì để đảm bảo đánh giá thực chất, đồng thời không gây căng thẳng cho cả triệu thí sinh đang ở giai đoạn quyết định cho hướng đi tương lai? 

- Qua sự việc năm nay, Bộ GD&ĐT nhận thấy cần hoàn thiện hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là hỗ trợ công tác chấm thi.  Ví dụ, với bài thi tự luận là môn Văn thì CNTT cũng hỗ trợ tốt trong việc làm phách bài thi, chấm thi. Đối với bài thi trắc nghiệm, sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường tính bảo mật, mã hoá dữ liệu chấm thi.  

Về tổ chức thi, ngoài việc giao quyền tự chủ cho các địa phương, Bộ sẽ có các giải pháp về mặt quản lý, giải pháp về mặt kỹ thuật để làm sao quyền của địa phương được xác định rõ và được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ của quy định, quy chế và sự giám sát và tất nhiên có sự vận dụng của CNTT, đồng thời có sự giám sát của các thanh tra.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Kỳ thi này không thể 1 + 1 = 2

Trước luồng ý kiến đề xuất chia bài thi THPT quốc gia làm 2 phần, phần 1 dành cho thí sinh chỉ muốn tốt nghiệp, phần 2 cho học sinh xét tuyển đại học, ông Mai Văn Trinh cho rằng, năm 2014, khi thiết kế kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã bàn rất kỹ, nếu tổ chức 2 đề thi như vậy sẽ nảy sinh 2 vấn đề bất cập. Một là không phản ánh đầy đủ bản chất của kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này không thể 1 + 1 = 2.

Ngoài ra, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức kỳ thi, trong đó dẫn đến việc có cơ hội để học sinh sử dụng phần này để làm phần khác, tạo ra sự không công bằng, gây phức tạp. Do đó, Bộ GD&ĐT phải thiết kế kỳ thi như vừa qua. Bởi thế, phương án thi THPT quốc gia bây giờ vẫn có nhiều ưu điểm và muốn đổi mới phải đợi sau khi chương trình sách giáo khoa mới đi vào thực tiễn.  

Đọc thêm

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.

Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học

Đại diện Lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An ký cam kết hưởng ứng Cuộc Vận động.
(PLVN) - Ngành Giáo dục Nghệ An vừa tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”. Sự kiện nhằm giúp các em học sinh có thể tập trung rèn luyện học tập, cũng như tránh xa những cám dỗ từ mạng xã hội thông qua việc dùng điện thoại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế
(PLVN) -  Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục năm 2024 cho cán bộ làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Bí mật số 87 - CYBERSPHERE: Sân chơi 'đậm chất luật' cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội

Chương trình “Bí mật số 87 - CYBERSPHERE” là hoạt động thường niên do Liên Chi Đoàn khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.
(PLVN) - Chương trình “Bí mật số 87 - CYBERSPHERE” là hoạt động thường niên do Liên Chi Đoàn khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức nhằm chào đón tân sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế. Qua hai chặng cạnh tranh khốc liệt, chặng thi thứ ba với chủ đề “Virtual Connections - Thiết kế cờ và chụp ảnh lớp” tạo không khí bùng nổ giữa các chi đoàn, đem đến sự gắn kết giữa các sinh viên...

Thầy cô và các em học sinh nói gì về quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Lớp học nói không với dùng điện thoại tại Trường THPT Đại Mỗ.
(PLVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi Trưởng phòng (GD& ĐT), các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường, tuyệt đối không để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. PV Báo PLVN đã ghi nhận thực tế ở một số trường THPT (công lập, tư thục) cho thấy rõ sự đồng thuận, nhất trí cao giữa nhà trường, các em học sinh và phụ huynh.

Truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt

“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt” là buổi tọa đàm do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức mới đây.
(PLVN) - Là một người Việt Nam, chúng ta đã bao giờ thắc mắc chữ viết tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng văn tự Latinh, khác hẳn với các nước “đồng văn” xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc? Chúng ta vẫn nói mình dùng chữ Quốc ngữ, vậy chữ Quốc ngữ là gì, ai đã tạo ra nó?Những câu hỏi này vẫn luôn “nóng” với nhiều thế hệ bởi chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại, của một quốc gia, dân tộc.