Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã diễn ra buổi Tọa đàm cấp cao do Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh điều phối.
Thành phần tham gia Tọa đàm cấp cao có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Kinh tế Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries; Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud.
Tại Tọa đàm cấp cao, nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới đã được đặt ra cho các diễn giả.
Xây dựng các gói chính sách hỗ trợ phù hợp với Việt Nam
Chia sẻ về cách tiếp cận của Quốc hội đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Chính sách tài khóa và tiền tệ là vấn đề rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm và chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội từ sớm, từ xa, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia để thảo luận, đưa ra cơ sở thực tiễn và khoa học phù hợp với thực trạng kinh tế của Việt Nam để xây dựng các gói chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các chính sách tài khóa và tiền tệ đưa ra cơ bản bám sát các nguyên tắc lớn. Cụ thể, phải bám sát các quy định của Nhà nước (Kết luận số 20 của Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 41 về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội…); tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, kích cầu đầu tư và thị trường; các chính sách đưa ra phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra cú hích, thay đổi cần thiết cho nền kinh tế nước ta; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo tính dài hạn và an ninh an toàn tài chính quốc gia…
Đề cập đến động lực cho những tăng trưởng chính đối với nền kinh tế trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP vượt khoảng 200%. Đối với các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đều biết dựa vào thị trường rộng lớn ở bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất, thu ngoại tệ để nhập khẩu những thiết bị cần thiết.
Thực tế cho thấy, khả năng mở rộng tăng cung cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư. Vì thế, các động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu và cũng vừa tăng sản lượng tiềm năng.
Tức là mở rộng khả năng cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất, tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả. Trong đó, đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại.
Việc khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức thì sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm đầu tư hoặc làm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu.
Thông qua sự phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những yếu tố quan trọng để tạo được niềm tin của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, đầu tư của Nhà nước vẫn đóng vai trò dẫn dắt để phục hồi nền kinh tế. Vì thế, sự đầu tư của Nhà nước nên tập trung vào cơ sở hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ...
Các đại biểu lắng nghe ý kiến của các diễn giả dự Tọa đàm cấp cao. |
Trong điều kiện phục hồi kinh tế, Việt Nam nên hạ thấp lãi suất ngân hàng, cần có gói kích thích kinh tế cũng như tái lập được cung ứng lao động để phục cho các sự hồi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cần đảm bảo ổn định vĩ mô về tài khóa, tiền tệ
Để có thể tận dụng các cơ hội phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Trưởng đại diện IMF ông Francois Painchaud khuyến nghị, cần phải đảm bảo ổn định vĩ mô về cả tài khóa cũng như tiền tệ. Đó là điều quan trọng nhất trong thời điểm này.
Từ kinh nghiệm ứng phó dịch COVID-19, Việt Nam đã rút ra bài học đẩy mạnh đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, tiến hành các chương trình hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức. Các chương trình này cần được đẩy mạnh nhân rộng, tiến hành kịp thời hơn, quyết liệt hơn và làm cho dễ tiếp cận hơn nữa. Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức mới nên cần có cơ chế để ứng phó với những khó khăn này.
Về cơ hội, Việt Nam có cơ hội lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần đầu tư dài hạn vào chuyển đổi nền kinh tế, cải thiện kỹ năng, nâng cao kết nối, số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử để Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.
Có sự thay đổi rất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra nhiều thách thức cũng như các cơ hội, lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam cần phải tham gia các công đoạn thêm giá trị gia tăng, đẩy mạnh hiệu quả thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải thiện hiệu suất lao động ở cả khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam đã có nền tảng để cải cách cơ cấu, hiện nay là thời điểm phù hợp để triển khai một cách khẩn trương hơn nữa.
Còn Giám đốc ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries đánh giá ở Việt Nam, chiến lược vaccine đã được thực hiện rất tốt. Việc tiêm chủng vaccine được triển khai rất nhanh. Tuy nhiên, khi thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron thì Việt Nam phải cần thêm vaccine và cần có động lực cho việc tiêm vaccine. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ vaccine mới, đảm bảo về y tế và sức khỏe cho người dân. Tư duy này là cơ hội tốt cho Việt Nam trong các giải pháp phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quản lý nợ công cẩn trọng và chặt chẽ, mở rộng về tài khóa. Có nhiều dư địa cho việc thuyết phục vay vốn và phục hồi. Để phục hồi cần có nhiều gói kích cầu và kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, cùng với đó là việc cải cách thuế, chi tiêu ngân sách, huy động nguồn lực. Đồng thời, các ngân hàng tham gia rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của khu vực, trong khi đó nhu cầu của Việt Nam rất lớn. Đầu tư công và cơ sở hạ tầng là xương sống của nền kinh tế.
Ngoài ra, chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng trong phục hồi sau đại dịch. Do đó, cần cơ sở hạ tầng để phục vụ cho chuyển đổi số; có giải pháp quan trọng để thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này; bổ trợ về đầu tư, đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp cấp địa phương. Tất cả những nỗ lực này trong thời gian dài sẽ đóng vai trò tiếp tục nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án 1 luật sửa 8 luật trong thời gian tới. Vấn đề cần nhất với doanh nghiệp hiện nay chính là cải cách thể chế. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án một luật sửa 8 luật, trình ra kỳ họp bất thường của Quốc hội và thông qua được cũng là cách để cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.